Ở quê tôi hầu như mùa nào cũng có sìa, nhưng cỡ tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch mới là thời kỳ sìa nhiều vô kể. Những buổi trưa hè, khi nước sông cạn dần, sìa từng đàn nằm vùi dưới lớp bùn, cát ở đáy sông, chỉ nhô lên trên một phần nhỏ. Thời điểm này, chịu khó lội sâu vào bãi bùn, thò tay vào lòng nước cạn là bắt ngay được nó. Nếu nước nhiều, dùng tay quơ qua quơ lại cũng có thể bắt được. Chỉ cần hơn một tiếng đồng hồ nếu trúng thì được cả một sọt sìa cải thiện bữa cơm gia đình.
Sìa sông quê tuy bề ngoài không bắt mắt, nhưng lại là nguồn thực phẩm vừa bổ dưỡng, lại rất ngon
Theo kinh nghiệm của người làng tôi, sìa nhìn bề ngoài không bắt mắt, vỏ cứng, đen và dày, thịt hơi dai nhưng lại là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, là vị thuốc quý của người dân quê, có thể chữa các bệnh phong khớp, nhức xương,…
Sìa bắt về đem ngâm nước vo gạo chừng vài tiếng đồng hồ, để nó há miệng, nhả hết cát, bùn. Sau đó, tiếp tục dội sạch bằng nước lã, cứ làm như thế, chừng khoảng 3 đến 4 lần. Cẩn thận hơn là dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa lại bằng nước sạch để tránh mùi tanh của bùn đất.
Xưa, má tôi thường làm nhiều món ngon từ sìa, công phu thì món sìa xào sả, đơn giản thì sìa luộc hay sìa nướng. Ngoài ra, những hôm nhà có khách má biến tấu sìa thành nhiều món lạ miệng như hấp cách thủy với nồi sìa lẫn lộn sả, ớt đỏ tươi cùng hơi nóng bốc lên, như muốn kích thích mọi giác quan. Hoặc sìa nấu canh cùng rau răm thêm ít rau thơm ngon miệng, giúp giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Nhưng ba con tôi lại thích món cháo sìa vừa ngon lại no bụng. Dù chế biến món nào, má cũng chọn bằng được những con còn tươi sống, đồng thời chọn loại vỏ nhẵn, hơi phồng lên, đó chính là dấu hiệu của những con sìa nhiều ruột, chắc thịt.
Món cháo sìa vốn là sở trường của má tôi. Theo má, gạo cần chọn loại lúa mùa vừa gặt, trắng, dẻo thơm. Nấu cháo sìa chỉ cần chọn loại con vừa hoặc nhỏ mới ngon.
Cho sìa vào luộc qua nước khoảng năm phút rồi múc ra đĩa, tách bỏ phần vỏ, lấy phần thịt ướp với bột ngọt, tiêu, nước mắm, hành tím băm nhỏ cùng vài lát ớt trong mươi phút. Tiếp đến, phi dầu thơm, cho thịt sìa vào xào thấm gia vị rồi cho tiếp phần sả, ớt nghệ còn lại.
Cháo sau khi nấu chín thật nhuyễn đến độ sền sệt liền bỏ sìa vào và dùng đũa trộn đều. Như vậy là đã có được một nồi cháo ngon miệng vừa ngọt, thanh, dậy lên hương thơm quyến rũ, ấm nóng của các loại gia vị như hành, sả, tiêu... đồng thời là món ăn thích hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Một chiều quê tôi bên bãi bồi nơi dòng sông gió đưa thoảng thoảng, gắp đôi ba con sìa, húp vài muỗng cháo, không gì thú vị bằng. Chỉ có người dân quê mới được tận hưởng hết các món quà hào phóng mà quê hương, sông nước ban tặng. Trong số các đặc sản ốc, tôm, cua… sìa từ lâu đã là món ăn mộc mạc, rất đỗi quen thuộc. Và ai đã bén mùi vị sìa sông rồi thì sẽ nhớ mãi, không sao quên được.
Nguyên liệu chính tạo nên món cháo sìa thơm, ngon hấp dẫn
Tô cháo dìa ngọt lịm