Thời xưa gọi nước Mỹ là gì?

GD&TĐ - Từ cách đây gần 200 năm, chữ “Hoa Kỳ” đã xuất hiện. Còn chữ “Mỹ” bắt nguồn từ đâu?

Dưới thời vua Minh Mạng, nước Mỹ được gọi là Nhã Di Lý thường đưa thuyền buôn đi thiết lập quan hệ với các xứ khác. Ảnh minh họa.
Dưới thời vua Minh Mạng, nước Mỹ được gọi là Nhã Di Lý thường đưa thuyền buôn đi thiết lập quan hệ với các xứ khác. Ảnh minh họa.

Chúng ta vẫn thường gọi tên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là nước Mỹ, và đều biết cách gọi này bắt nguồn từ tên rút gọn từ cách phiên âm tên nước này từ tiếng Anh sang âm Hán Việt.

Tuy nhiên, từ cách đây gần 200 năm, chữ “Hoa Kỳ” đã xuất hiện. Còn chữ “Mỹ” bắt nguồn từ đâu?

Ngược dòng sử sách, có thể thấy những ghi chép trong sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục”, vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), về sự kiện nước Mỹ sai người dâng quốc thư xin nhà Nguyễn cho thông thương ở cửa vụng Lấm thuộc Phú Yên.

Nguyên văn trong “Đại Nam thực lục” chép lại văn bản trình lên vua Minh Mạng viết rằng: Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (Nước này ở Tây dương, hoặc gọi Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Anh Cát Lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại, Úy Đức Giai Tâm Gia (tên hai người - phiên theo âm Hán Việt) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa vụng Lấm thuộc Phú Yên.

Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh Phú Yên, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi ý họ đến đây làm gì. Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương”, nói năng rất cung kính. Tuy nhiên, đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức mà triều đình nhà Nguyễn mong muốn.

Do đó, vua Minh Mạng bảo không cần đệ trình thư ấy, rồi cho quan quyền lĩnh chức Thương bạc (phụ trách giao thương với nước ngoài) làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi”.

Do sự từ chối của triều đình nhà Nguyễn và cụ thể là vua Minh Mạng, mối giao thương Mỹ - Việt đã không được thiết lập từ hồi đó.

Qua những ghi chép trong bộ sử này, ta thấy cách phiên âm tên nước Mỹ đầu tiên của sử quan nhà Nguyễn là Nhã Di Lý, đây là cách phiên âm Hán Việt của tên nước Mỹ theo cách viết tiếng Pháp - États-Unis. Sau đó, cách phiên âm thứ hai là Ma Ly Căn, là ghi âm Hán Việt từ tên nước Mỹ ghi bằng tiếng Anh – America.

Tra cứu sử liệu của Mỹ thời đó, thì hai nhân vật được nước Mỹ cử đến Việt Nam dâng thư lên vua nhà Nguyễn được phiên âm là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại và Úy Đức Giai Tâm Gia, lần lượt có tên là Edmund Roberts và David Geisinger. Thư đó do Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng, viết theo văn phong thư tín phương Tây, không được nhà Nguyễn chấp nhận vì lý do “không xưng hô đúng cách”.

Ngoài phiên âm nước America thành Ma Ly Căn, thời xưa, nước ta cũng như Trung Quốc cũng có cách phiên âm khác là Mỹ Lợi Căn (Kiên), A Mỹ Lợi Gia. Trung Quốc hiện nay chỉ gọi nước Mỹ là Mỹ Quốc.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), có sự kiện một chiếc tàu của nước Anh đuổi bắt tên tù bị lưu người nước Thanh ở ngoài biển Hòn Khoai (Cà Mau). Có 16 người Tây dương, 1 người dân Kinh, ngồi chiếc thuyền tam bản tới cửa sông Nghi Giang, Hà Tiên xin cho binh phủ đuổi bắt hộ. Tỉnh thần ủy cho Lãnh binh là Tôn Thất Trực đem 100 quân và 1 người thông dịch đi thuyền đến nơi xét hỏi xua đuổi.

Việc ấy đến tai vua. Vua nói: Thuyền ấy là thuyền của người Anh, nên hỏi rõ sự trạng, làm cho ổn thỏa không nên nhất khái xua đuổi đi, chỉ tỏ ra là mình không rộng lượng thôi. Vậy chuẩn cho xét hỏi duyên do vì sao mà đến, một mặt tùy nghi làm cho ổn thỏa, một mặt tâu lên ngay để rõ tình trạng.

Chép đoạn này xong, các sử quan nhà Nguyễn chú thích thêm rằng: Xưa nay thuyền các nước Anh Cát Lợi (Anh), Ma Ly Căn (Mỹ), Bút Tu Kế (nay gọi là Bồ Đào Nha) đến đây mua sắc các thức ăn và lấy củi nước thì không cấm. Duy thuyền nước Phật Lan Tây (tức nước Pháp) thì không cho vào vụng và không cho lên bờ vì là đã từng đến sinh chuyện.

Về quan hệ giao thương giữa Mỹ và Việt Nam thời Nguyễn, sử nhà Nguyễn cho biết tiếp, năm 1850, thời vua Tự Đức thương thuyền của người Mỹ lại tới cửa biển Đà Nẵng xin thông thương với Việt Nam, nhưng vẫn bị triều đình nhà Nguyễn khước từ.

“Đại Nam thực lục” (đệ tứ quyển), chép: Sứ nước Ma Ly Căn ở Tây dương là Ba Ly Chì (tên đầu mục ở thuyền) chở một chiếc thuyền đến cửa biển Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam) nói: Mang thư của nước ấy đến tạ lỗi, xin thông thương. (Trong thư nói: 4 năm trước thuyền nước ấy đến nước ta, lên bờ giết người, vua nước ấy đã đem trưởng thuyền làm tội rồi; nay mong bỏ hết oán cũ đi, cho được thông thương hòa hảo).

Tỉnh thần Quảng Nam là bọn Án sát Ngô Bá Hy đem việc ấy tâu lên. Vua Tự Đức sai Tôn Thất Bật là Hậu quân Đô thống lĩnh chức Tổng đốc Quảng Nam (khi ấy hiện khuyết) chọn 1 người thị vệ, 1 người thông ngôn có tính cẩn tín đến đồn cửa biển tuỳ tiện làm việc.

Tôn Thất Bật bàn với bọn Ngô Bá Hy sai thông ngôn là Hoàng Văn Nghị trả lời rằng: Thuyền nước ấy từ trước đến nay, không có việc trái phép giết người nào cả. Nhân dân nước ta chuyên nghề làm ruộng trồng dâu, không thích chơi của lạ, nếu có lại buôn cũng không lợi gì, thư này không dám đề đạt lên.

Ba Ly Chì nói: Nếu không đề đạt lên, thì thuyền nước ấy không dám trở về. Tôn Thất Bật bèn xin tạm nhận thư kia, tuỳ cơ biện bác bắt bẻ. Vua không cho. Ba Ly Chì xin đi chơi núi Ngũ Hành, rồi chở thuyền đi. Cơ hội thông thương giữa hai bên lại một lần nữa tan theo mây khói như vậy!

Ba Ly Chì là cách nước ta phiên âm tên của người đại diện của Mỹ là Balestier. Balestier đã định sẽ lái thuyền ra thẳng Huế để gặp triều đình. Nhưng vì ngược gió, nên ông ta xuôi thẳng hướng Nam rồi tiện đường lên Vọng Các (Bangkok) để gặp vua Thái Lan. Mối quan hệ bang giao với nước Mỹ đã lần lượt bị bỏ lỡ như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.