Thời tiết lạnh sâu, cẩn trọng với nguy cơ tai biến

GD&TĐ - Khi gặp lạnh, cơ thể sinh ra phản xạ tự bảo vệ và co mạch, giữ ấm cho cơ thể.

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BSCC
Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BSCC

Ở người có bệnh lý nền, mức độ đàn hồi của mạch máu giảm, áp lực trong lòng mạch tăng lên. Từ đó, khiến huyết áp tăng cao gây vỡ mạch máu não, xuất huyết não.

Nguy cơ ở người có bệnh nền

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh từ ngày 17/12 có cường độ mạnh, kéo dài nhiều ngày. Đây là đợt rét hại diện rộng đầu tiên trên toàn Bắc bộ trong năm nay, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 11 độ.

Thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Khi trời lạnh, nhiều người có xu hướng ít vận động, dẫn tới tăng cân. Đó cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Ông N.Q.V. (67 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) được con cháu đưa vào viện cấp cứu, biểu hiện liệt nửa người, nói khó. Trước đó, người nhà phát hiện ông V. nằm bất động trước cửa nhà vệ sinh. Bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, mắc bệnh mạch vành nhưng không sử dụng thuốc đều đặn. Bác sĩ đã kê thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Hiện, ông V. đang hồi phục.

Theo các nghiên cứu, khi nhiệt độ giảm 5 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng lên 7%. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận khoảng 6 bệnh nhân bị đột quỵ trong những ngày lạnh sâu. Theo TS.BS Nguyễn Quang Ân - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đột quỵ là vấn đề “nóng” về y tế của toàn cầu và Việt Nam.

Đột quỵ là hậu quả của nhiều bệnh lý khác như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý van tim, bệnh lý chuyển hóa đặc biệt là tăng mỡ máu. Ngoài ra, stress trong cuộc sống, công việc cũng có thể gây đột quỵ. Những thay đổi đột ngột của thời tiết nhất là lạnh cực đoan làm gia tăng số ca mắc. Với những người có bệnh lý nền, nguy cơ này càng cao.

Nguyên nhân chính là khi gặp lạnh, cơ thể sinh ra phản xạ tự bảo vệ và co mạch, giữ ấm cho cơ thể. Ở người có bệnh lý nền, mức độ đàn hồi của mạch máu giảm, áp lực trong lòng mạch tăng lên. Từ đó, khiến huyết áp tăng cao gây vỡ mạch máu não, xuất huyết não.

Theo bác sĩ Ân, mọi triệu chứng của đột quỵ đều xuất hiện đột ngột như: Tê chân, tay một bên, méo miệng, nói khó, nhìn mờ. Một số người có biểu hiện chóng mặt, đau đầu. Bệnh nhân đột quỵ phải được cấp cứu kịp thời bởi não bộ cần cung cấp oxy trở lại. Nếu chậm, vùng não sẽ chết, người bệnh có thể tử vong. “Thời gian vàng” cấp cứu là 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Người nhà cần đưa bệnh nhân tới cơ sở uy tín, không nên qua cơ sở y tế chưa có chuyên môn điều trị đột quỵ, trì hoãn thời gian cấp cứu. Bệnh nhân có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối cơ học. Bác sĩ Ân khuyến cáo không nên cho người bệnh ăn, uống gây sặc phổi. Người đột quỵ huyết áp tăng cao cũng không nên chờ uống thuốc hạ huyết áp mới vào viện, lãng phí “thời gian vàng”.

Bệnh nhân đột quỵ tăng vào mùa Đông

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết.

Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy, đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng Hai và tháng Tư – thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Australia, Mỹ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh.

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa Đông. Cụ thể, ở miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12.

Tại miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía Bắc. Trong 3 tháng này, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30 - 50% tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.

Bác sĩ Minh Đức cũng cho biết thêm, khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm. Đây là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.

Làm rõ cơ chế vì sao lại dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, TS.BS Minh Đức cho hay, khi nhiệt độ giảm, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể.

Tình trạng co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông.

Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. “Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh”, TS.BS Minh Đức chia sẻ.

Theo chuyên gia này, để phòng đột quỵ mùa lạnh, cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch, sử dụng thuốc chống đông máu. Đồng thời, cần có chế độ ăn lành mạnh, tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống.

Ngoài ra, người dân nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ C và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm muộn cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.

Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Đồng thời, tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ