Về đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp: 93,9% lĩnh vực giáo dục và đào tạo bị ảnh hưởng

GD&TĐ - Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), do ảnh hưởng covid – 19, 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Chỉ 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng. Lĩnh vực chịu tác động tiêu cực như hàng không 100%, giáo dục và đào tạo 93,9%. Ban này đã đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả các doanh nghiệp.

Theo đề xuất, tất cả các doanh nghiệp nên được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Theo đề xuất, tất cả các doanh nghiệp nên được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Chỉ 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại cuối tháng 7/2020, Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã thực hiện cuộc khảo sát tới 350 doanh nghiệp (DN) và 15 hiệp hội trong nước. Nội dung khảo sát về những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới.

Kết quả cho thấy, những khó khăn như không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Không bảo đảm tiền lương trả lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Vấn đề trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi. Tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị…

20% DN được khảo sát cho biết đã phải tạm dừng hoạt động. 76% DN không cân đối được thu chi. 2% DN đã giải thể. Chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tác động của đợt bùng phát dịch lần hai đã khiến hơn 47% DN phải cắt giảm lao động. Trước đó, kết quả điều tra lần 1 đánh giá, một số ngành kinh tế có tỷ lệ lớn DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như hàng không 100%, giáo dục và đào tạo 93,9%.

Trước những khó khăn trên, Ban IV đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các DN trong năm 2020. Cùng với đó, Ban IV đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ. Thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

DN giáo dục có được gì từ giảm 30% thuế thu nhập?

“Trong các giải pháp chung, nếu chỉ với một chính sách riêng lẻ không đủ để giải cứu doanh nghiệp mà phải đi kèm với những chính sách khác bao gồm giảm và hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Vấn đề chính hiện nay là hỗ trợ thanh khoản cho các DN (duy trì khả năng chi trả: trả lương có người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả các loại phí, trả nợ ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ và các chi phí khác). Một DN mất khả năng thanh toán (gọi là thanh khoản) sẽ ngưng hoạt động ngay và “chết lâm sàng”. Duy trì sự sống còn của các DN là nhiệm vụ trọng yếu của Chính phủ hiện nay”. TS Nguyễn Trí Hiếu

Hiện các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm phương kế tự cứu mình. Đề xuất hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập DN cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty đào tạo và du học E.T.A.S (Lò Đúc, Hà Nội), trong bối cảnh hiện nay, với các DN giáo dục thì khó khăn lớn nhất là không có học viên.

Tiếp đến là việc chi trả các khoảng phí liên quan đến người lao động và thuê mặt bằng để duy trì hệ thống. Do vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2020 đối với DN giáo dục chỉ mang tính chất lý thuyết, không mang tính chất hỗ trợ, vực dậy doanh nghiệp. 

Bà Dung chia sẻ thêm, với các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ, công ty vẫn không đủ điều kiện để tiếp cận. Bởi vậy, không nên giảm thuế thu nhập DN mà nên hỗ trợ chi trả các loại phí, tháo gỡ khó khăn thực tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng, nêu quan điểm: “Cá nhân tôi hoan nghênh đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả mọi DN. Bởi hầu như tất cả các DN đều ít nhiều bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Với tình hình hiện nay, một chính sách giảm thuế cào bằng 30% dễ thực hiện hơn là có tỷ lệ giảm thuế khác nhau cho nhiều ngành nghề và nhiều loại DN.”

Chính sách giảm đều thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp có thể được gọi “one size fits all” (một cỡ áo vừa vặn cho mọi khổ người). “Ngoài cách giảm thuế với một tỷ lệ cào bằng cho tất cả các DN, tôi chưa tìm thấy một công thức có thể được xem là công bằng đối với mỗi loại hình DN hay cho mỗi loại hình kinh doanh.

Nếu có, chẳng hạn một chính sách giảm thuế 50% cho DN vừa và nhỏ; 40% cho DN lớn và 30% cho các đại công ty, thì có gì bảo đảm các tỷ lệ này công bằng hơn cào bằng 30%?”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế thu nhập DN chỉ giúp cho số ít DN không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Theo phân tích, chỉ có 2% DN nói chung và khoảng 6,1% DN giáo dục được hưởng lợi từ chính sách này, chứ không phải đa số DN đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, không ngoại trừ việc nguồn lực hạn hẹp mà Chính phủ buộc phải chọn những chính sách hỗ trợ “đỡ tốn kém” nhất nhưng nếu các các chính sách chưa hiệu quả thì không nhất thiết phải đề xuất. 

Riêng với các DN giáo dục, TS Lê Văn Sơn, Giảng viên tài chính Học viện Phụ nữ cho biết, trước đó Quốc Hội đã thông qua việc giảm thuế thu nhập DN 30% cho những DN có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng. Hầu hết DN giáo dục đều nằm trong giới hạn này.

Việc giảm thuế thu nhập DN là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ được DN đón nhận nếu trong tình hình bình thường. Nhưng trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch, có 93,9% DN giáo dục bị ảnh hưởng thì giải pháp này phải cụ thể và đồng bộ với nhiều giải pháp khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.