Tuyển sinh ĐH, CĐ mùa Covid-19: Đánh bóng tên tuổi quá đà...

GD&TĐ - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu dùng phương thức trực tuyến để tiếp cận thí sinh.

Dán đè banner thông tin tuyển sinh lên banner của các trường ĐH khác được xem là hành động không đẹp trong tư vấn tuyển sinh.
Dán đè banner thông tin tuyển sinh lên banner của các trường ĐH khác được xem là hành động không đẹp trong tư vấn tuyển sinh.

Ngoài đưa thông tin qua website, các hình thức như sử dụng mạng xã hội, email, phần mềm tư vấn trực tuyến… được các trường ĐH tận dụng tối đa. Nhưng cũng từ đây, đã bộc lộ nhiều chiêu thức không lành mạnh trong cách PR của một số trường. 

Trúng tuyển ĐH trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Vừa tham dự xong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em D.T.N.L (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhận được giấy báo đủ điểm vào ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc (chuyên ngành Tiếng Trung Quốc) của Trường ĐH D.T ở Đà Nẵng. Giấy báo trúng tuyển đề ngày 8/8 cũng lưu ý có thể thay đổi chuyên ngành học khi đến làm thủ tục nhập học tại trường. Thời gian nhập học từ ngày 4/9 - 17/9. 

Nhiều thí sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển trước hoặc khi vừa tham dự xong Kỳ thi tốt nghiệp THPT như trường hợp của D.T.N.L. Cũng trường ĐH này, ngày 11/8 đã gửi thư chúc mừng và giấy báo trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cho em Đ.T.N qua email. Đây đều là những thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ.

Khoản 1 Điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 quy định về việc Thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học quy định “Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học”. Trong hội nghị, tập huấn về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp, tránh trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy báo trúng tuyển. 

Giấy báo trúng tuyển được một trường ĐH gửi cho thí sinh trước ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Giấy báo trúng tuyển được một trường ĐH gửi cho thí sinh trước ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 

“Đánh bóng”   bằng mạng xã hội

Mới đây, hiệu trưởng của một trường ĐH ngoài công lập ở Đà Nẵng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình để chia sẻ về việc có một trang fanpage tổ chức thăm dò đánh giá giữa 2 Trường ĐH Duy Tân và ĐH Đông Á. Trong đó, “nội dung đánh giá cái gì Trường ĐH Đông Á cũng xấu, cái gì Trường ĐH Duy Tân cũng tốt” – vị hiệu trưởng này viết. Nhiều thông tin liên quan đến tuyển sinh ĐH đăng tải trên trang fanpage này được cho là không khách quan. Chẳng hạn, để trả lời cho câu hỏi: Nếu học ngành Kiến trúc nên học tại đại học nào ở Đà Nẵng? Trang này đưa ra nội dung tư vấn: “Có vài trường đào tạo ngành Kiến trúc ở Đà Nẵng, bao gồm Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (tư thục) và Đại học Đông Á. Ở Đại học Đà Nẵng, Kiến trúc là một tổ bộ môn trong khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa. Ở Trường Đại học Duy Tân, Kiến trúc ban đầu cũng là một tổ bộ môn thuộc khoa Xây dựng, sau đó được tách ra thành khoa Kiến trúc. Còn lại, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, một trường tư thục khác (không phải công lập như nhiều người nhầm lẫn), Kiến trúc được đào tạo từ những ngày đầu thành lập”. 

Trong những trường ĐH mà trang fanpage này nhắc đến, Trường Đại học Đông Á, Đại học Duy Tân và Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đều là trường ngoài công lập, nhưng chỉ có Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng là được nhắc đi nhắc lại là trường ĐH tư thục. Ngoài ra, Kiến trúc là một khoa độc lập của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Những bài viết này, sau đó đã được gỡ bỏ trên trang fanpage khi nhận được nhiều phản ứng cho đây “chiêu trò” hút thí sinh. 

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trao đổi: Bộ GD&ĐT đưa ra những yêu cầu trong tuyển sinh đồng thời phải kiểm tra và giám sát đồng đều giữa các trường, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Thời gian qua, có tình trạng khá lộn xộn trong xét tuyển và gọi trúng tuyển của một số trường. Thậm chí, một số trường dùng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng mạng xã hội để cố tình dìm hàng trường khác. Điều này là không phù hợp với môi trường giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. 

Cũng theo PGS. TS Đoàn Quang Vinh, thí sinh, khi chọn trường ĐH, CĐ để theo học cũng đồng thời chọn cho mình một con đường lập thân lập nghiệp. Vì vậy, ngoài tìm hiểu qua các kênh truyền thông, tham khảo kinh nghiệm của các lớp anh chị đi trước là một cách mà nhiều HS lớp 12 thường hay sử dụng khi làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH. Cạnh tranh trong tuyển sinh với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của cả trường công lập và ngoài công lập đòi hỏi các trường muốn phát triển bền vững ngoài xây dựng hình ảnh phải bảo đảm chất lượng đào tạo. 

Đa dạng các hình thức tuyển sinh được xem là cách để tạo thuận lợi cho các trường lựa chọn đầu vào. Nhưng đa dạng hình thức tuyển sinh, nếu không đi kèm với việc tuân thủ chặt chẽ quy chế tuyển sinh, dễ dẫn đến tình trạng nhiều trường cạnh tranh không lành mạnh.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.