Tìm giải pháp chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc 

Buổi làm việc nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.

Vùng ĐBSCL hiện chiếm gần 23% dân số cả nước, đóng góp gần 20% GDP của cả nước. Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm qua một số thành quả của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, khi vùng này chiếm tới 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, sản xuất tôm chiếm 80% cả nước, xuất khẩu trái cây đạt trên 1 tỷ USD, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tăng dần tỉ trọng nông sản chế biến với nhiều nhà máy hiện đại. Đặc biệt, ĐBSCL có nhiều mô hình tốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, ĐBSCL đối mặt nhiều thách thức lớn, cần nhận diện để đưa vào văn kiện nhưng cũng cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành. Đó là tác động của biến đổi khí hậu. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp là chính, vùng có tăng trưởng thấp hơn bình quân của cả nước, đặc biệt là phát triển hạ tầng còn nhiều khó khăn, tổng mức đầu tư chung của ĐBSCL còn thấp. Công nghiệp, dịch vụ còn nhiều vấn đề, nhất là phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta có 13 tỉnh, thành phố với trên 20 triệu dân nhưng chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp, chiếm 7% số doanh nghiệp toàn quốc, rất thấp”.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành nêu vấn đề nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nhất là các bài học kinh nghiệm trong 5, 10 năm qua. Đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới thành công hiệu quả cũng như những vướng mắc, nút thắt cần giải quyết. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ không chỉ đến năm 2025 - 2030 mà phải là tầm nhìn đến năm 2045. Mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với TPHCM và cả nước để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã nêu những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Việc vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công, hiệu quả và những vướng mắc cần giải quyết. Qua đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho các năm tiếp theo với tầm nhìn lâu dài, bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ