Thanh toán qua tài khoản viễn thông: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp và người dùng

GD&TĐ - Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp và công ty kinh doanh viễn thông thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử nhỏ lẻ. Đây được coi là tín hiệu vui cho các nhà mạng và doanh nghiệp.

Thẻ cào điện thoại có thể thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ
Thẻ cào điện thoại có thể thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ

Từ việc các nhà mạng lên tiếng

Thẻ cào viễn thông không những mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các nhà mạng mà còn giúp nhiều doanh nghiệp dịch vụ nội dung số thu hút người dùng bởi tính tiện lợi, thao tác nhanh, đơn giản. Thế nhưng, mặt trái của nó khiến các nhà kinh doanh viễn thông không lường trước hết được.

Từ sau vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng Internet của công ty CNC vỡ lở, đến tháng 4/2018, Bộ TT&TT đã chỉ đạo siết chặt quản lý việc sử dụng thẻ cào để thanh toán các dịch vụ nội dung số. Vụ việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, khiến 3 nhà mạng lớn là VNPT, Viettel, MobiFone phải lên tiếng.

Theo báo cáo của VNPT, vào thời gian vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng của công ty CNC vỡ lở, doanh thu bán thẻ cào của giảm mạnh, chỉ bằng 20% các tháng trước đó. Sự việc này không những làm cho các doanh nghiệp viễn thông lớn bị giảm sút doanh thu mà các công ty nội dung kỹ thuật số cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chẳng hạn, doanh thu của nhà phát hành game Deco sụt giảm tới 90%; CMN Online cũng sụt giảm doanh thu 80%. Tổng Công ty VTC sụt giảm tới 40% doanh thu dịch vụ game, mặc dù VTC đã nhanh chóng phát hành thẻ thanh toán cho dịch vụ của mình là Scoin. Thế nhưng, thẻ thanh toán này không dễ dàng tìm thấy bởi kênh phân phối không thể phủ khắp như thẻ cào viễn thông. Hơn nữa, các công ty này không có điều kiện xây dựng một kênh thanh toán riêng.

Viettel, VNPT, MobiFone đã đồng loạt lên tiếng, đề nghị xem xét về việc dùng thẻ cào di động để nạp tiền thanh toán cho các dịch vụ nội dung số. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì lấy ý kiến các Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương, trên cơ sở đó Bộ TT&TT báo cáo lên Thủ tướng xem xét.

Cho phép thí điểm

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 10 năm qua Việt Nam đã tụt dần, xuống thứ trên 100, dưới mức trung bình của thế giới. Vì vậy, chậm nhất đến năm 2022, Việt Nam phải đưa thứ hạng về từ 30 - 50 trên thế giới. Toàn ngành phải bám vào chỉ tiêu quốc tế để nâng cao thứ hạng.

Trong khi đó, trên thế giới, việc thanh toán không tiền mặt đã triển khai từ rất lâu thế nhưng ở Việt Nam lại diễn ra khá chậm, bởi để sử dụng loại hình thanh toán này người dân cần có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là rất khó do thói quen sử dụng tiền mặt. Các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ rất tiện lợi.

Thực tế, trong quá trình triển khai dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, có những dịch vụ diễn ra rất nhanh, đi trước luật và thông tư, nghị định ban hành. Các doanh nghiệp, khi làm các dịch vụ mới hay bị sai vì chính sách chưa có.

Chia sẻ về dịch vụ nội dung số, Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Dịch vụ nội dung số hiện nay chiếm đến 20 - 30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chỉ chiếm 6 - 8%. Cơ hội của các nhà mạng còn 3 - 4 lần, có thể đạt từ 3 - 4 tỷ USD. Hiện tại, so với các nước khác, nội dung số còn rất thấp. Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ rà soát lại một số văn bản pháp luật để loại đi sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ sẽ thí điểm hình thức Mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông để giúp thanh toán điện tử đến từ mọi người dân, kích thích kinh tế tăng trưởng”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Chính phủ đồng ý để Bộ TT&TT sửa các luật về viễn thông, tần số, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp viễn thông; Đồng thời, đồng ý cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ