Tại sao phải tăng giá điện?

GD&TĐ - Có nhiều lý do được đưa ra để tăng giá điện trong tháng 3 này. Ngay từ năm 2018, khi công bố tình hình thu - chi năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kêu lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn cấp điện quan trọng là điện than lại đứng trước những khó khăn trong việc xây đựng thêm nhà máy. Việt Nam phải mua thêm điện từ bên ngoài, thuế môi trường tăng từ đầu năm nay...  

Nhiều lý do khiến Bộ CT tính tăng giá điện sau 3 năm “ổn định” giáNhiều lý do khiến Bộ CT tính tăng giá điện sau 3 năm “ổn định” giá
Nhiều lý do khiến Bộ CT tính tăng giá điện sau 3 năm “ổn định” giáNhiều lý do khiến Bộ CT tính tăng giá điện sau 3 năm “ổn định” giá

Chuẩn bị tăng giá

Trong những thảo luận về điện từ năm 2018, Bộ Công Thương (CT) - cơ quan chủ quản của ngành điện - cũng không ít lần “đánh tiếng” về việc giá điện có thể tăng vào năm 2019. Gần đây nhất, chính Thứ trưởng của Bộ này đã khẳng định với báo chí việc sẽ tăng giá điện ngay trong tháng 3 này ở mức 8,36%.

Đại diện Bộ Tài chính, trong cuộc họp Tổ Điều hành thị trường thường kỳ tháng 2 đã đưa ra kiến nghị: Trong quý I/2019 vẫn cần điều hành giá thận trọng. Theo lưu ý từ Bộ Tài chính, trước khi điều chỉnh giá, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, có sự truyền thông sớm để tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Tuy nhiên, sự khẳng định từ Bộ Công Thương về việc tăng giá điện ngay trong tháng 3, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao giá điện tăng? Tăng giá điện lần này liệu có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và hộ dùng điện nhiều, khi mà giá điện đang được tính lũy tiến rất rõ ràng?

Mùa hè 2019, với dự báo thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài có khả năng diễn ra ở nhiều địa phương, điện tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Giá điện tăng ngay trước mùa nóng liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân? Câu hỏi này vẫn cần sự tính toán, cân nhắc của các bộ ngành liên quan. 

Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo EVN xây dựng các phương án giá điện cho năm 2019 dựa trên các yếu tố “đầu vào” cụ thể như: Cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019; Tính toán các chi phí đầu vào của giá điện năm nay; Trong phương án giá điện năm 2019 đưa vào tính toán phân bổ một phần các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được đưa vào giá điện.

Giá điện tăng lần gần nhất cách đây 3 năm. Dựa theo cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 khoảng 6,8%, Bộ Công Thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh. Bộ này cũng đã chỉ đạo EVN cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1/2019.

Các yếu tố đầu vào của giá điện 2019, trong phương án giá điện, đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện, bao gồm: Giá than nội địa; Dự báo về giá than nhập khẩu, giá khí cung cấp cho các nhà máy điện; Thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu đã tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019. Thậm chí, dự báo về tỉ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… cũng được tính toán như một tác động.

Trong khi đó, Bộ chủ quản ngành điện cho rằng, các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá). Đây cũng là một yếu tố khiến giá điện tăng. Mức độ phân bổ theo Bộ Công Thương sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

Sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ chịu ảnh hưởng từ tăng giá điện lần này
  • Sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ chịu ảnh hưởng từ tăng giá điện lần này

Cân nhắc mức ảnh hưởng

Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến các mặt hàng có liên quan có đầu vào là điện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng (GDP). Bộ này cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ ảnh hưởng của giá điện đến CPI và GDP. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét, phân tích liều lượng điều chỉnh giá điện ở mức phù hợp. Mức giá điện được điều chỉnh cũng sẽ phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2019 của Chính phủ, nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu CPI và GDP đã được Quốc hội thông qua.

Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), cụ thể các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô. Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay vẫn áp dụng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng, tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ