Sóc Trăng sẵn sàng ứng phó với bão số 16

GD&TĐ - Trước diễn biến khó lường của bão số 16, các địa phương ven biển, ven sông lớn đã khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó. 

BĐBP Bãi Giá đang gia cố nhà cửa
BĐBP Bãi Giá đang gia cố nhà cửa

Ở TX. Vĩnh Châu, các lực lượng chức năng tiến hành gia cố một số tuyến đê biển xung yếu và địa phương này cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ gia cố lại một số tuyến đê khác. Hoàn tất triển khai phương án di dời người dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng vào các điểm chùa, trường học để trú, tránh bảo trong tình huống khẩn cấp.

Riêng huyện Long Phú, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên theo dõi tình hình của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời. UBND huyện Long Phú xác định những nơi xung yếu nhất và di dời người dân vào các điểm trú an toàn. Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú, khó khăn hiện nay là có một số bộ phận người dân còn chủ quan với bão vì chưa thấy dấu hiệu rõ rệt nên huyện đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về những diễn biến của bão số 16.

Tại huyện Trần Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh cho biết: Toàn huyện có 4 đơn vị hành chính gần cửa biển là Thị trấn Trần Đề, xã Trung Bình, Đại Ân 2 và xã Lịch Hội Thượng với 1.339 hộ dân, 4.942 người phải di dời khi bão đổ bộ vào. Các hộ dân sẽ được di dời vào trụ sở UBND xã, trường học, Đồn Biên phòng Bãi Giá. Huyện đã chuẩn bị sẵn phương tiện di chuyển bà con đến nơi tránh bão cũng như các phương tiện ứng phó với bão.

Với tàu thuyền, Trần Đề có 616 chiếc, trong đó có 297 phương tiện đánh bắt gần bờ và 319 phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện nay, tất cả các phương tiện đánh bắt gần bờ đã vào nơi tránh bão an toàn, riêng tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn khoảng 100 tàu đang trên đường vào nơi trú bão, dự kiến khoảng 15 giờ ngày 24/12 sẽ vào đến nơi.

Với số lượng tàu thuyền của địa phương cũng như của các địa phương khác vào tránh bão tại Cảng Trần Đề là khá lớn nên ngoài số tàu trú tại Kinh Ba (thị trấn Trần Đề), UBND huyện này bố trí một số tàu di chuyển qua Cồn Tròn và Vàm Hồ (huyện Cù Lao Dung) ra sông Hậu lên phía huyện Long Phú; số còn lại di chuyển vào sông Mỹ Thanh về hướng cầu Mỹ Thanh 2 trở vào. Đây là những nơi trú an toàn vì vào sâu trong đất liền.

Trung tá Bùi Thành Thắng, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Bãi Giá (huyện Trần Đề) cho biết: “Đồn đã thành lập 2 tổ công tác ở thị trấn Trần Đề và xã Trung Binh để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và giúp bà con di dời, giằng chống, gia cố nhà cửa, công trình nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ vào.

Đơn vị trực chiến 100% quân số, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh. Hiện tại, đơn vị đang gia cố doanh trại, sẵn sằng đón bà con vào ở khi có bão”. sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu như có bão đổ bộ vào; đặc biệt, trong đó có 2 địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng là xã Trung Bình và thị trấn Trần Đề.

Do đó, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho các phương tiện khai thác biển về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, huyện đã có bố trí 48 điểm an toàn để di dân tránh trú khi có bão xảy ra.

ở huyện Cù Lao Dung, UBND huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng xung yếu đến 28 điểm kiên cố trú bão. Phần lớn, các địa phương sẽ tận dụng điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Bé Tư, cho biết: “Là huyện cù lao bốn bề sông nước nên khi có thiên tai, mưa bão xảy ra thì huyện sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trên địa bàn huyện có 137 tàu thuyền nhỏ, chủ yếu đánh bắt gần bờ, huyện cũng đã kêu gọi tàu thuyền đánh cá vào nơi trú ẩn an toàn”.

Đối với huyện Kế Sách, lãnh đạo địa phương đã thường xuyên cập nhật diễn biến về tình hình của bão số 16 nhằm kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng vận động người dân chằng chống nhà cửa, mé nhánh cây; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có bão; phân công cán bộ trực 24/24 để đối phó với các tình huống xảy ra. Đối với các xã đảo của huyện Kế Sách đã xác định số người cần di dời, đảm bảo điểm di dời cần an toàn nhưng phải kiên cố.

Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban ngành; các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão, thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

UBND các huyện ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão cần triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các lực lượng biên phòng tuyến biển, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm, đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú; chỉ đạo bảo đảm an toàn cho người, phương tiện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán.

Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng Trương Hoài Phong cho biết: Sáng ngày 24/12 Sở đã tổ chức cuộc họp triển khai các nội dung ứng phó với bão số 16.

Lãnh đạo Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế triển khai ngay các đội cứu hộ, cứu nạn, tổ chức thường trực 24/24 giờ (mỗi huyện, thị xã, thành phố triển khai ít nhất 2 đội); rà soát, bố trí cơ sở vật chất đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh được an toàn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện, theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, thị xã, thành phố.

Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, các phương tiện như: máy phát điện, đèn cầy, đèn dầu phòng khi mất điện.

Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn có kế hoạch đảm bảo trực 24/24 giờ sẵn sàng cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân. Trung tâm Y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng sau bão; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau bão.

Các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân dân y, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện 30-4 đảm bảo an toàn cho người bệnh nội trú trong bão. Mỗi đơn vị thành lập 1 đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố khi có yêu cầu.

Sở Giáo Dục - Đào tạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành ngừng ngay việc tổ chức các cuộc họp, các hoạt động không cấp thiết để tập trung các biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường. Sáng ngày 24/12, Sở GD-ĐT Sóc Trăng đã thông báo đến các trường học cho học sinh nghĩ học trong hai ngày 25 và 26/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.