Ngày 24/12, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp xuống địa bàn các huyện để kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó với cơn bão Tembin.
Tại huyện Cái Nước, ông Phạm Phúc Giang - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, cho biết: Toàn huyện có khoảng 9000 người dân trong kế hoạch di dời. Trong đó số lượng người già, trẻ em cần sơ tán ngay đến nhà người thân kiên cố là khoảng 6.200 người.
“Việc chằng chống nhà cửa đang được triển khai quyết liệt đến chiều. Còn việc hỗ trợ hộ nghèo dây để chằng chống (chi phí 150.000 đồng/hộ) theo chỉ đạo của tỉnh là hơn 1.300 hộ; ngoài ra huyện xuất kinh phí khoảng 300 triệu đồng để mua dây hỗ trợ cho hơn 500 hộ cận nghèo khó khăn”, ông Phạm Phúc Giang thông tin.
Tại huyện Phú Tân, các công tác ứng phó với cơn bão số 16 cũng được gấp rút triển khai. Ông Võ Trường Giang - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết: Hiện địa phương đã liên lạc được tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển và đa số tàu đã vào bờ neo đậu trú bão, hiện còn 3 tàu cá đang vào bờ. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 1000 dân với hơn 4.400 người cần phải sơ tán thuộc 4 xã ven biển của huyện.
Người dân chủ động dự trữ lương thực đề phòng mưa bão |
Thượng úy Vương Hải Hồ - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: Tại cửa biển Cái Đôi Vàm, lực lượng đã liên lạc được tất cả khoảng 100 tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn, trong đó có 2 tàu đang trên đường vào.
Ban đầu người dân cũng rất chủ quan, tuy nhiên với sự quyết liệt của lực lượng, kiên quyết trong vận động, tuyên truyền người dân nên đã giúp bà con nâng cao ý thức rất nhiều. Nhờ đó, công tác ứng phó, chuẩn bị trước khi bão vào được bà con làm khá tốt.
Chỉ đạo tại các huyện Cái Nước, Phú Tân, ông Nguyễn Tiến Hải, nhấn mạnh: Các lực lượng phải khẩn trương triển khai các nội dung trong công điện của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai việc tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
“Đồng thời, để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ cung cấp cho mỗi huyện một máy thu phát sóng tần số ngắn, phòng trường hợp khẩn cấp. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng tổ chức dọn tỉa các nhánh cây, tàng cây lớn, phòng trường hợp đổ ngã xảy ra làm cản trở giao thông, gây mất điện…”, ông Nguyễn Tiến Hải, nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Hải cũng chỉ đạo: Yêu cầu ngành chức năng địa phương tích cực triển khai di dời dân vào nơi tránh trú bão. Đề nghị các tàu còn lại vào nơi tránh trú an toàn. Trong trường hợp các tàu này không chấp nhận sơ tán thì kiên quyết dùng tàu khác kè vào điểm trú, đồng thời lập biên bản và cấm hoạt động khai thác sau bão.
Cũng trong chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương và Đoàn công tác của Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiến hành thị sát công tác phòng, chống bão tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu).
Sau chuyến khảo sát thực tế, theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương: Nếu người dân chưa hiểu thì bắt buộc người dân phải đi. Người dân có thể không hài lòng, nhưng vì tính mạng, sức khỏe của người dân nên cần phải thực hiện theo kế hoạch, chứ không để xảy ra rồi thì hậu quả khó lường…
Theo báo cáo của ông Bùi Minh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, khu vực thị trấn Gành Hào có 2000 hộ dân, với khoảng 8000 nhân khẩu (trong đó có khoảng 5000 người già, phụ nữ, trẻ em) cần phải di dân. Khó khăn hiện nay là nếu nước biển dâng cao từ 2 - 3m thì sẽ gây thiệt hại rất lớn...