Sản xuất điện từ than: Môi trường bị hủy hoại và gây chết yểu?

GD&TĐ - “Đang có nhìn nhận sai lệch và thiếu thiện cảm về nhiệt điện than, lo ngại về ô nhiễm môi trường. Những phê phán này xuất phát từ nhận xét đốt than nhiều là nguồn phát thải lớn khí nhà kính CO2; thải ra nhiều tro xỉ, nhiều khí độc hại SO2, Nox…” - PGS.TS Trương Duy Nghĩa (Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam) nêu quan điểm trong một cuộc bàn luận liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than mới đây.  

Nếu không phát triển sản xuất điện từ than sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp điện
Nếu không phát triển sản xuất điện từ than sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp điện

Suy diễn không khoa học

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết: “Nghiên cứu của Trường Đại học Havard cho rằng, mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu, tới 2030, khi nhiệt điện than đạt 300 tỷ kWh thì số người chết yểu sẽ là 17.500 người. Thông tin này khiến cộng đồng dân cư khiếp sợ nhiệt điện than”. Tuy nhiên, “đây là sự suy diễn không có cơ sở khoa học”- PGS.TS Trương Duy Nghĩa đặt câu hỏi ngược lại - “Sao không cảnh báo ngay cho nước Mỹ? Nơi có sản lượng nhiệt điện than gấp cả trăm lần nhiệt điện than ở Việt Nam. Cũng như vậy, Australia có nhiệt điện than gấp 22 lần (68%), hay ở Đức gấp 15 lần (45%), Hàn Quốc gấp 12 lần (43,2%), riêng Trung Quốc sản lượng nhiệt điện than gấp 185 lần Việt Nam (79%)”.

Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam phân tích: Sản xuất điện từ than thải ra nhiều nguyên tố kim loại nặng (là nguồn gây ung thư) chỉ khi các vượt quá giới hạn cho phép. Cần lưu ý rằng, nguyên tố kim loại có mặt ở khắp nơi, bốc một nắm đất cũng có thể có hàng trăm hóa chất khác nhau. Ngay trong cơ thể động vật cũng không thiếu gì các nguyên tố kim loại nặng... Vấn đề là nồng độ những nguyên tố này có đạt giới hạn nguy hiểm không?

Theo các phân tích tro xỉ từ sản xuất nhiệt điện than ở Việt Nam, các nguyên tố kim loại nặng: Hoặc không có (KPH) hoặc chỉ có vết, nếu có thì nhỏ hơn rất nhiều so với giới hạn cho phép. “Nếu chỉ công bố có mặt các nguyên tố kim loại nặng, mà không cho biết nồng độ nhỏ hơn rất nhiều, khiến cộng đồng hiểu sai, lo sợ”- PGS.TS Trương Duy Nghĩa nêu - “Như vậy sẽ có thể suy diễn coi tro xỉ là chất thải nguy hại. Rồi muốn cấm lưu thông trên đường, gây khó khăn cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng”...

Hay thông tin cho rằng, nước làm mát trong sản xuất nhiệt điện than có nhiệt độ cao hơn 40 độ C, hủy hoại môi sinh… theo nhà khoa học là không chính xác. vì nước làm mát thường từ các nguồn cấp nước từ sông, biển. Theo thống kê khí tượng thủy văn, qua làm mát, nhiệt độ nước thải ra cao nhất cũng chỉ 35 độ C.

Nguy cơ thiếu điện trầm trọng

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu điện rất lớn cho phát triển kinh tế. Nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước.

Ông Nguyễn Tân Bình (Trưởng ban Khoa học Công nghệ - Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) khẳng định: Các nhà máy nhiệt điện than của EVN sử dụng công nghệ hiện đại, không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Đồng thời, các giải pháp về môi trường luôn được áp dụng đồng bộ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định, vận hành hiệu quả và giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường xung quanh.

“Tình hình tiêu thụ tro xỉ đối với các nhà máy nhiệt điện than được EVN xử lý tương đối tốt. Hiện các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy phát thải của các nhà máy thường thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn”, ông Nguyễn Tân Bình cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng cho rằng: “Áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong giai đoạn tới, nhiệt điện than đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ