Quảng Nam: Chấp nhận mạo hiểm bạt núi xây trường vì thiếu đất

GD&TĐ - Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường học ở các huyện miền núi của Quảng Nam là mặt bằng. Gần như chỗ nào cũng đối diện với nguy cơ sạt lở. Như huyện Tây Giang, chỉ có san ủi đồi núi mới có đất ây trường học.

Phải bạt đồi để có đủ 2ha mặt bằng xây dựng Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang). 
Phải bạt đồi để có đủ 2ha mặt bằng xây dựng Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang). 

Bạt núi xây trường

Để HS THPT của 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry (huyện Tây Giang, Quảng Nam) không phải đi học quá xa, Quảng Nam đã đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng Trường THPT Võ Chí Công. Một quả đồi đã được san ủi để có 2 ha mặt bằng xây dựng trường.

Trong quá trình triển khai thi công đã phát sinh nhiều vấn đề như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn, thời tiết mưa kéo dài… Để khắc phục sự cố vết nứt ở taluy dương, đơn vị thi công phải múc trên 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước.

Theo kế hoạch, Trường THPT Võ Chí Công hoàn thành và đưa vào giảng dạy năm học 2017 – 2018 nhưng thi công chậm tiến độ mất một năm học. Tháng 10/2020, toàn bộ 277 HS của nhà trường phải về học tại Trường THPT Tây Giang, cách đó 40 km. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến cho đất từ taluy dương của trường sạt lở xuống khu ký túc xá (KTX).

Ông Nguyễn Công Tươi – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công cho biết: “Năm học 2020 – 2021, nhà trường sẽ phải mượn cơ sở của Trường THPT Tây Giang để dạy – học. Ngoài việc sạt lở khu KTX thì việc di chuyển HS còn để phục vụ cho triển khai thi công xây dựng giai đoạn 2. Trong đó, đơn vị thi công sẽ phải có giải pháp xử lý sự cố sạt lở taluy dương”.

Theo như chia sẻ của ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: “Nếu không chọn giải pháp bạt đồi thì không có vị trí nào đủ rộng để có thể xây dựng Trường THPT Võ Chí Công. Gần như các trường học xây mới ở Tây Giang đều phải bạt đồi núi san mặt bằng”.

Trong chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công ở thời điểm tháng 9/2017, ông Bh’riu Liếc – lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tây Giang khẳng định vị trí đang xây dựng ngôi trường là địa điểm hợp lý nhất. Nếu chọn địa điểm khác thì 3 năm nữa cũng chưa chắc có được trường học. 

Áp mức giá thi công chưa hợp lý

Điểm trường THCS của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nhưng vẫn chưa tìm được mặt bằng để di dời.
Điểm trường THCS của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nhưng vẫn chưa tìm được mặt bằng để di dời. 

Sở GD&ĐT Quảng Nam đang xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2021 – 2021. Theo tính toán của sở này, để phát triển cơ sở vật chất trường lớp ở miền núi trong 5 năm tới, cần kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách tỉnh cần 672 tỉ đồng, ngân sách huyện 1.162 tỉ và huy động nguồn khác 402 tỉ. Ông Hà Thanh Quốc cho rằng, đây là con số không lớn bởi trên thực tế, hàng năm, các địa phương đầu tư khá nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất trường lớp. Cái khó khăn, lại nằm ở lựa chọn mặt bằng để đầu tư xây dựng.

Ông Hà Thanh Quốc thừa nhận rằng, với đặc thù ở miền núi là đất thì rộng nhưng địa hình đồi núi là chủ yếu. Mặt bằng đủ rộng và an toàn thì gần như là không có. Để đủ đất xây trường học thì phải bạt núi. Và lúc đó, đã có sự can thiệp vào đặc tính tự nhiên, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như sạt lở.

Như năm học này, rất nhiều trường học ở các huyện miền núi, từ Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… đều bị ảnh hưởng bởi sạt lở, vùi lấp trường học, khu KTX, nhà công vụ của GV… Chính vì vậy, ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho rằng, trong chọn địa điểm xây dựng trường phải tôn trọng mặt bằng tự nhiên, bởi hiện nay tình trạng sạt lở ở miền núi rất nhiều.

Hai năm nay, Phòng GD&ĐT Bắc Trà My và chính quyền địa phương đã đưa vào kế hoạch di dời điểm trường THCS của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa chốt được phương án do chưa tìm ra mặt bằng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My cho biết: “Dù điểm trường THCS nằm trong vùng sạt lở nhưng những năm trước đây do chưa tìm được mặt bằng và kinh phí xây dựng nên vẫn cố gắng duy trì. Tuy nhiên, tình hình sạt lở năm nay rất nặng nên UBND xã đang tìm địa điểm, kinh phí xây dựng sẽ do sở GD&ĐT chịu trách nhiệm hỗ trợ.

Có thể sẽ chuyển hết HS về điểm trường tiểu học rồi xây thêm phòng học vì hiện tại đã có sẵn khu nội trú HS rồi. Hoặc có thể sẽ xây mới điểm trường THCS tại địa điểm của trường mẫu giáo bây giờ và di chuyển trường mẫu giáo sang một vị trí mới. Tuy nhiên, phương án nào thì tìm mặt bằng để xây dựng trường cũng rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thừa nhận, miền núi hiện rất khó khăn trong lựa chọn mặt bằng bố trí xây dựng trường học vì chỗ nào cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở. Các trường học ở vùng núi, ngoài các phòng học còn phải có thêm nhà nội trú, nhà công vụ cho giáo viên…

Chính vì vậy, để chọn mặt bằng đủ diện tích để xây trường đủ quy chuẩn là khó và phải chấp nhận đồi dốc. Như mùa lũ năm 2020 này thì rất nhiều trường học nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Một khó khăn nữa, theo như ông Phước, nếu áp dụng chung mức chi phí xây dựng trường học ở miền núi ngang với mức ở đồng bằng như hiện nay thì rất khó. Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Quốc cho rằng định mức xây dựng cơ bản hiện nay rất mâu thuẫn và nếu tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình theo kiểu “trời mưa thì đất chịu”.

Ngoài ra, nên có những thiết kế mô hình trường học phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng miền núi, vùng đồng bằng, ven biển… để tránh những thiệt hại nặng nề như vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.