Nhân lực ngành bán lẻ: Cầu đang vượt cung

GD&TĐ - Tại Việt Nam các loại hình bán lẻ đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn , nhưng do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên sự tăng trưởng không đồng đều. Vấn đề đang đặt ra nhu cầu về đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp trong ngành bán lẻ.

Nhân lực ngành bán lẻ:  Cầu đang vượt cung

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Đây đang là khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ thường xuyên phải đối mặt. Theo báo cáo nhân sự ngành bán lẻ do Navigos Group công bố mới đây, thách thức lớn nhất của các nhà tuyển dụng trong ngành bán lẻ là tỷ lệ người lao động nghỉ việc cao.

Cụ thể, 28% nhà tuyển dụng cho biết, ứng viên không cam kết làm việc lâu dài, 49% nhà tuyển dụng cho biết các ứng viên trong ngành này hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. Thách thức mà nhà tuyển dụng đang đối mặt cũng trùng với phản ánh của các ứng viên, khi có đến 60% ứng viên cho biết thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2 - 3 năm.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc của BigC Việt Nam cho biết, hiện BigC có 35 hệ thống siêu thị trên cả nước với 17.000 nhân viên; 55 cửa hàng siêu thị điện máy Nguyễn Kim với trên 5.000 nhân viên và 57 shop thời trang...

Nhu cầu về nguồn nhân lực của BigC rất lớn, đặc biệt về nhân lực bán hàng, thu ngân và lao động kỹ thuật như: Làm bánh, nấu ăn, chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, do chưa được đào tạo bài bản, nên nhân lực ngành này có sự dịch chuyển, thay đổi chỗ làm việc liên tục. Trung bình hàng năm, lao động bán lẻ thay đổi công việc trong tập đoàn khoảng trên 30%, trong đó khu vực Hà Nội có thể lên đến trên 80%...

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sau một thời gian phát triển mạnh mẽ và vượt bậc, ngành bán lẻ Việt Nam đang có những dấu hiệu chậm lại. Để đạt những mục tiêu đề ra trong ngành bán lẻ giai đoạn 2020 là tương đối khó khăn. Đến nay, Việt Nam mới chỉ hoàn thành được gần một nửa những chỉ tiêu đạt ra cho ngành bán lẻ hiện đại. Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực vẫn luôn là khó khăn hàng đầu.

Cải thiện chính sách và tiêu chuẩn hóa

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực ngành bán lẻ, các doanh nghiệp cần phải tập trung cải thiện chính sách nhân sự và chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, cần xây dựng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình quản trị viên tập sự, tìm kiếm sinh viên tài năng… Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và đa dạng hóa nguồn nhân lực cũng là vấn đề cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp bán lẻ.

Nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành bán lẻ đang ngày càng gia tăng. Đáp ứng nhu cầu này, hiện nay đã có một số trung tâm đào tạo nhân lực ngành được thành lập tại Việt Nam. Các trung tâm hình thành với mục tiêu đáp ứng một nguồn nhân lực có chất lượng và kỹ năng nghề nghiệp tốt trong ngành bán lẻ của Việt Nam.

Nhằm giải quyết bài toán nhân lực ngành bán lẻ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo giữa Bộ LĐ-TB&XH với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Tập đoàn siêu thị BigC, tới đây sẽ triển khai thí điểm chương trình phối hợp đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực ngành bán lẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, Bộ đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc cụ thể với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và Tập đoàn BigC, trong việc đề xuất tiêu chuẩn nghề, ban hành nghề đào tạo chính thức và đưa vào danh mục nghề quốc gia. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nhân lực ngành bán lẻ.

Từ năm 2012, hệ thống siêu thị BigC đã kết hợp với các viện đào tạo tổ chức những khóa học chuyên ngành bán lẻ. Chương trình đào tạo của doanh nghiệp này được thực hiện với hai hình thức xen kẽ: Vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ và đảm trách một vị trí quản lý tại siêu thị hay bộ phận hỗ trợ. Big C đài thọ toàn bộ chi phí, từ đào tạo, trợ cấp thực tập hàng tháng, tiền ăn trưa, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.