Nghệ An: Thầy giáo kiên trì hô hấp nhân tạo 30 phút, cứu sống bé gái đuối nước

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa quyết định tặng Bằng khen cho thầy giáo Phạm Văn Thăng, giáo viên Trường THCS Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vì đã có hành động nhanh trí, nỗ lực cứu sống học sinh bị đuối nước.

Thầy Phạm Văn Thăng - GV Trường THCS Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cứu sống bé gái bị đuối nước
Thầy Phạm Văn Thăng - GV Trường THCS Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cứu sống bé gái bị đuối nước

Ngày 3/7, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, sau khi lập tờ trình đề nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định tặng Bằng khen cho thầy Phạm Văn Thăng, vì đã có hành động nhanh trí, nỗ lực cứu sống học sinh đuối nước.

Trước đó, khoảng hơn 17h (ngày 28/5), thầy Phạm Văn Thăng (GV trường THCS Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) chạy xe máy ra kênh nước để gọi 2 con đi tắm cùng bạn về nhà.

Khi đến khu vực máng Xuân Tiêu, đoạn từ kênh Vách Nam dẫn nước sang xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, thầy Thăng thấy mực nước ở cầu máng cạn so với bình thường. Lúc này, thầy gặp cháu ruột tên là Phạm Văn Thi hỏi thì được biết nước đã cạn được một lúc.

Nghi ngờ có trẻ nghịch, chắn cống nước ở phía trên để bơi nên thầy Thăng đi ngược theo mương nước để kiểm tra. Khi lên đến gần 2/3 cầu máng thì phát hiện có một bàn chân nhô lên.

Thầy Thăng cùng người cháu vội kéo nạn nhân lên bờ. Đó là một bé gái, người tím tái, nhiều chỗ trên cơ thể bị xây xát.

Khu vực thầy Thăng phát hiện cháu bé bị mắc kẹt và đuối nước.

Khu vực thầy Thăng phát hiện cháu bé bị mắc kẹt và đuối nước.

"Tôi kiểm tra thấy cháu bé không thở nữa, nghĩ cháu đã mất rồi. Nhưng tôi vẫn cố gắng hô hấp nhân tạo với hi vọng mong manh “còn nước còn tát”. Tôi bảo cháu Thi cố gắng liên hệ với người nhà của bé, và chạy ngay tới trạm y tế xã Nhân Thành gần đó để gọi bác sỹ đưa bình ô xy tới hiện trường, còn mình ở lại liên tục sử dụng các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.

Sau khoảng 15 phút, thì thấy cháu có biểu hiện trào nước, tôi tiếp tục hà hơi thổi ngạt nhiều lần và thấy cháu bắt đầu có nhịp thở.

30 phút sau cháu tự thở được dù vẫn yếu và mở mắt ra, nhưng chưa nói được gì. Tiếp đó, nhiều người đã có mặt để đưa cháu lên xe đến cơ sở y tế”, thầy Thăng kể lại.

Được biết, cháu bé được thầy Thăng cứu sống là em Lê Phương Linh (SN 2010, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học và THCS Hợp Thành). Linh là học sinh bơi giỏi và nằm trong đội tuyển thi bơi của huyện nhưng vẫn không may gặp nạn.

"Khi tôi phát hiện cháu bé là ở đoạn mương hẹp, bên trên có nhiều thanh sắt chắn ngang. Khả năng cháu bơi ở phía đầu nguồn, sau đó không may bị nước đẩy trôi tới đây và mắc kẹt, không thể bơi tiếp mà cũng không trèo lên bờ được vì vướng các thanh sắt", thầy Thăng nói.

Theo lời thầy Thăng, trong khi hô hấp nhân tạo, thấy cháu bé vẫn bất động nhưng thầy không từ bỏ. Đến khi cháu bắt đầu có nhịp thở, thầy như “vỡ òa” vì đã cứu được cháu khỏi lưỡi hái tử thần.

Ghi nhận hành động nhanh trí, dũng cảm cứu người thoát đuối nước, Liên đoàn Lao động huyện Yên Thành đã biểu dương thầy giáo Phạm Văn Thăng.

Sau khi tiếp nhận và xác minh thông tin, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng lập tờ trình đề nghị Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho thầy Thăng. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định trao Bằng khen cho thầy Phạm Văn Thăng.

Thầy Nguyễn Trọng Minh – Giáo viên Thể dục, phụ trách dạy môn bơi Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An), cho biết điều lo lắng là nhiều học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn xảy ra đuối nước do chưa được trang bị nhiều kỹ năng về cứu đuối.
Các em biết bơi nhưng khi tắm ở bãi tắm tự phát, kênh mương, ao hồ... tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, ví dụ bị chuột rút hoặc gặp tai nạn, va đập khi bơi. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quản lý, giám sát con em, đặc biệt vào dịp hè.
Ngoài ra, trong quá trình dạy bơi cho học sinh ở các nhà trường, trung tâm, cần trang bị cho các em cách nhận biết nơi nguy hiểm, cách phòng tránh và kỹ năng xử trí khi mình gặp tai nạn hoặc phát hiện người khác đuối nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ