Chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm cùng với sự điều hành chính sách tiền tệ ngân hàng là nhân tố hỗ trợ hiệu quả đối với sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế.
Tài khóa là “chìa khóa” hỗ trợ
Bộ Tài chính đang tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có hiệu quả; trong đó, tập trung vào nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Năm 2023 tổng thu NSNN đạt 1.754.100 tỷ đồng, bằng 108,2% dự toán. Tính đến ngày 15/12/2024, thu NSNN đã vượt 9,97% dự toán, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.870.596 tỷ đồng. Năm 2024, NSNN vượt thu khoảng 300.000 tỷ đồng, số tiền này sẽ bổ sung đầu tư phát triển hạ tầng. Trên cơ sở đó, GDP năm nay có thể tăng trưởng khoảng hơn 7%; CPI tăng khoảng 3,88% và nợ công chiếm 37%...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ... tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Báo cáo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính) tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
“4 năm qua, nước ta vượt thu ngân sách khoảng 1 triệu tỷ đồng, năm sau vượt thu cao hơn năm trước. Thực hiện giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 900.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2024, số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 189.600 tỷ đồng. Điều này góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng cộng tăng thu gần 2 triệu tỷ đồng nếu trong điều kiện bình thường”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.
Năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.997,3 nghìn tỷ đồng, vượt 17,4% so với dự toán. Trong đó: Thu nội địa đạt 115,2% dự toán; thu từ dầu thô đạt 126,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 134,2%. Chi ngân sách năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 86,4% dự toán, bao gồm: Chi đầu tư phát triển đạt 78,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 94,5%, đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ phát sinh.
Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế (giá trị hỗ trợ lên đến 197,3 nghìn tỷ đồng) đã giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sau cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề.
Năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội một số dự luật quan trọng như: Sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán; điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng, giảm 2% thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa...
Dự báo, kinh tế năm 2025 sẽ có những thuận lợi nhất định nhưng cũng đầy thách thức và khó khăn. Vì vậy, ngành tài chính cần có những hoạch định chính sách phù hợp, chuẩn bị kịch bản mang tính dự báo sâu để kịp thời ứng phó với thực tiễn.
Dự toán năm 2025, thu ngân sách Nhà nước khoảng hơn 1,96 triệu tỷ đồng. Dự toán chi hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Bội chi khoảng 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Văn Hiến nhận định: Việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là rất quan trọng. Chính sách tài khóa cần kết hợp triển khai đồng bộ với chính sách tiền tệ sẽ phát huy hiệu quả.
Ngân hàng là “bệ đỡ” phát triển
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều chính sách dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả khả quan.
Đơn cử, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm sản, thủy sản (từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, hiện nay là 60.000 tỷ đồng); Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (hiện số vốn đăng ký đã hơn 145 nghìn tỷ đồng).
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một trong những khó khăn được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: Áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm, bởi nếu giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng. Vì vậy, việc “hóa giải” được thách thức này là thành công của nhà điều hành.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): Việc ngành ngân hàng điều tiết được trong khâu “giữ giá đồng tiền, đảm bảo cân đối vĩ mô” là sự đóng góp lớn đối với công tác điều hành, quản lý.
Dẫn chứng cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo chênh lệch giữa đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ ở mức phù hợp. Trong khi đó, đồng tiền của nhiều quốc gia khác trên thế giới chịu biến động lớn từ đồng đô la Mỹ.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách tín dụng cần phải đẩy mạnh hơn nữa nhất là ưu tiên đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Bởi, thống kê, hai đối tượng này có tỷ lệ điều kiện để tiếp cận vay vốn ngân hàng còn thấp.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: Hiện, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn gặp vướng mắc bởi các quy định pháp luật chưa thực sự đồng bộ, nhất là chính sách vay mua nhà ở xã hội.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại cần hoạch định chiến lược phát triển bền vững đối với các chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế, tức là không chỉ lấy mục tiêu về con số tăng trưởng GDP mà phải kèm theo chất lượng GDP để vừa tăng trưởng nhưng phải bền vững.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, giai đoạn vừa qua, nhiều ngân hàng đã vươn lên, lọt vào tốp đầu về tăng trưởng tín dụng.
TS Hiển cũng đưa ra khuyến cáo, để không bị vướng nợ xấu, bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ngân hàng cần vạch ra hàng loạt chỉ tiêu khác nhằm tạo ra giá trị như: Chất lượng tín dụng, nguồn thu dịch vụ, sự gắn bó khách hàng trong quá trình vay vốn và tiền gửi, tỷ lệ giữa tiền gửi, tiền cho vay…
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV nhận định: Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ. Mặc dù, chính trị thế giới có nhiều bất ổn, nền kinh tế có nhiều biến động khó lường, thế nhưng kết quả đạt được là Việt Nam kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đây là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.