Muối “rởm” lộng hành?

GD&TĐ - Không riêng gì tỉnh miền núi Điện Biên, các tỉnh Hải Dương, Nam Định đều ghi nhận một số sản phẩm là thực phẩm muối i-ốt và bột canh không đạt các yêu cầu quy chuẩn được bày bán trên thị trường. Thực hư của việc này như thế nào?

Cục Quản lý Thị trường tỉnh Điện Biên kiểm tra mẫu một số loại bột canh
Cục Quản lý Thị trường tỉnh Điện Biên kiểm tra mẫu một số loại bột canh

“Treo đầu dê, bán thịt chó”?

Ngày 8/5, làm việc với Báo GD&TĐ, ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm và Thủy sản (Chi cục QLCLNL&TS) tỉnh Điện Biên cho biết, cuối năm ngoái và đầu năm nay đơn vị này đã tổ chức lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với muối và bột canh tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Kết quả phân tích cho thấy 3/11 mẫu được lấy đạt yêu cầu quy chuẩn Việt Nam, còn lại 8/11 mẫu không đạt.

Đáng chú ý có 3/8 mẫu bột canh nói trên không phát hiện i-ốt đó là: Bột canh cao cấp Hà Nội (Công ty CPCB lương thực, thực phẩm Ba Đình có địa chỉ tại: Hà Xá, Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội); Bột canh

i-ốt Hải Châu (Công ty Bánh kẹo Hải Châu) và Bột canh Hà Nội mới (Cơ sở sản xuất Đức Hải, địa chỉ: Tự Tứ, Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương). Kết quả phân tích mẫu không phát hiện hàm lượng i-ốt quy ra KiO3 trong những mẫu sản phẩm này, trong khi hàm lượng công bố trên bao bì sản phẩm là “20-50mg/kg”.

Ngoài ra, có 5/8 mẫu muối có hàm lượng i-ốt thấp hơn công bố và quy chuẩn, đó là: Muối sấy Vifon (Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam); Muối sạch 07 (Nhà máy Muối Hải Hậu, Nam Định); Muối to (Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Tuyên - Hải Hậu, Nam Định); Muối sạch (Công ty TNHH Duyến Hải - Từ Liêm, Hà Nội) và Muối sạch i-ốt (Xí nghiệp Muối Vĩnh Ngọc - Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo quy chuẩn, hàm lượng i-ốt quy ra KiO3 phải đạt từ 20 - 50mg/kg, trong khi các mẫu sản phẩm trên chỉ đạt từ 1,33 - 17,7mg/kg.

Kết quả kiểm định của Chi cục QLCLNL&TS tỉnh Điện Biên chưa được nhiều cơ quan, đơn vị coi là chính xác do những đặc thù của công tác kiểm định. Tuy vậy, kết quả này cũng gây những tác động nhất định đến việc sử dụng, kinh doanh các sản phẩm có chứa i-ốt.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu muối, bột canh của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản tỉnh Điện Biên
  • Kết quả kiểm nghiệm mẫu muối, bột canh của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản tỉnh Điện Biên

Doanh nghiệp kêu oan

Ngày 9/5, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu cho biết: Thời gian qua, nhiều trang báo điện tử và tài khoản mạng xã hội Facebook đã đăng tải bài viết về “muối và bột canh không có hàm lượng i-ốt” phản ánh kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản và muối tháng 11/2018 của Chi cục QLCLNL&TS tỉnh Điện Biên, trong đó mẫu bột canh i-ốt Hải Châu không phát hiện hàm lượng i-ốt. Trước đó, ngày 20/2, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm bột canh i-ốt trực tiếp từ nhà máy để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm tra đã khẳng định, sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu có hàm lượng i-ốt trong ngưỡng cho phép 37,31 mg/kg - ngưỡng cho phép về hàm lượng i-ốt theo công bố là 20 mg/kg - 40 mg/kg (có Thông báo số 05/TB-ĐKT ngày 12/3/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên về kết quả kiểm nghiệm mẫu kèm theo). Công ty đã cung cấp kết quả kiểm nghiệm cho báo chí và các bên có liên quan.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu, trong 2 ngày 6 và 7/5 vẫn có những thông tin về sản phẩm bột canh i-ốt của công ty không có hàm lượng i-ốt. Điều này càng khiến dư luận hoang mang, lo ngại. Người tiêu dùng tẩy chay, không tiếp tục sử dụng sản phẩm do lo ngại đến sức khỏe. Các nhà phân phối, siêu thị cửa hàng, không mua hàng. Sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho.

Vì vậy, công ty đứng trước nguy cơ thua lỗ, mất uy tín, mất thương hiệu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, đời sống của người lao động. Để bảo vệ người tiêu dùng và không thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu rất mong muốn có đơn vị, tổ chức trung gian kiểm định chất lượng hàng hóa và trực tiếp tiến hành lấy mẫu sản phẩm sản xuất, lưu kho tại nhà máy một cách công tâm nhất để người dân yên lòng về một sản phẩm truyền thống đã gắn bó lâu năm trong đời sống gia đình Việt.

Bộ Y tế có Công văn 6134/BYT-PC về việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến muối i-ốt. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quá trình thanh tra, kiểm tra nghiêm túc; chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt.

Trước đó, ngày 28/1/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó, từ ngày 15/3/2017, các loại muối ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung i-ốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ