Đề nghị được hưởng khám chữa bệnh theo BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ

GD&TĐ - Cử tri đề nghị Bộ Y tế cần có chủ trương, giải pháp để bố trí, sắp xếp khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo, Báo cáo của Ban Dân nguyện về “Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV”: Tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội , cử tri nhiều tỉnh đã liên tục đề nghị Bộ Y tế cần có chủ trương, giải pháp để bố trí, sắp xếp khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở y tế có khám chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi cho mọi người, nhất là đối với học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, công nhân và người lao động (chỉ được nghỉ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật).

Bộ Y tế cho rằng, để được hưởng khám chữa bệnh theo BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ thì người dân có thể tìm hiểu cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (có nghĩa là không phải 100% các cơ sở có khám chữa bệnh BHYT tổ chức khám vào ngày nghỉ, ngày lễ mà người dân phải tự tìm hiểu).

Báo cáo cũng nêu: Trả lời của Bộ Y tế như trên là chưa đúng với quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 36 của Luật BHYT , theo đó người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại tất cả các cơ sở có khám chữa bệnh BHYT mà không bị giới hạn việc khám, chữa bệnh từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Do vậy, việc Bộ Y tế chưa thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở có khám chữa bệnh BHYT là chưa đảm bảo quyền lợi của người dân được quy định trong Luật trong suốt nhiều năm qua (từ năm 2008). Đây là kiến nghị chính đáng của cử tri cần được Bộ Y tế giải quyết.

Liên quan đến an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, Báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết, cử tri TP Hồ Chí Minh, Bình Định đề nghị tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua bán, sản xuất thực phẩm độc hại.

Theo trả lời, Bộ Y tế đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất; đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với tổng số tiền phạt 6,086 tỷ đồng.

So với năm 2017, số cơ sở bị xử phạt tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả .

Mặc dù Bộ Y tế đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết những vấn đề mà cử tri nêu, tuy nhiên tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc thực phẩm kém chất lượng bị đưa vào sử dụng trong trường học ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh khiến phụ huynh hoang mang lo lắng.

Chẳng hạn như vụ: Việc học sinh nhiễm sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm không an toàn tại trường học thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc ninh; Ngày 2/3/2018 gần 100 trẻ em trưởng tiểu học Phạm Văn Đồng và trường mầm non Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bị ngộ độc do uống sữa tươi tại trường học, vụ việc dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ