Mùa sò điệp miền Tây

GD&TĐ - Là một trong những loài nhuyễn thể hai mảnh có giá trị kinh tế cao, sò điệp là sản phẩm được nhiều ngư dân ở khu vực miền Tây Nam bộ chú trọng trong mùa khai thác. Tuy nhiên, để khai thác được loài vật nhỏ bé này là điều không hề dễ dàng.

Khung cảnh nhộn nhịp cảng Vàm Láng mùa biển
Khung cảnh nhộn nhịp cảng Vàm Láng mùa biển

Mùa săn sò

Chúng tôi tìm tới cảng Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) vào một buổi trưa nắng nóng cuối tháng Sáu. Thời điểm này đang là cao điểm mùa đánh bắt hải sản của ngư dân Tiền Giang nói riêng và ngư dân các tỉnh ven biển miền Tây nói chung. Hàng chục ghe tải trọng hàng trăm tấn chật ních các loại hải sản đang cập bến, chuyển sản phẩm lên bờ.

Ngoài các loại hải sản thông thường, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy rất nhiều bao tải sò điệp được đưa lên. Những thương lái đã đợi sẵn, bắt đầu cân và dùng vòi nước cao áp để rửa sạch. Những con sò điệp màu đỏ au, vỏ to bằng chiếc chén ăn cơm xòe ra như những cánh quạt đều như nhau. Đó là lý do ở nhiều nơi ngư dân còn gọi chúng là sò quạt. 

Khác với tôm, cá, cua, sò điệp không sử dụng lưới hay các loại ngư cụ thông thường để bắt chúng mà buộc phải lặn xuống dưới lòng biển để tìm kiếm. Bù lại, sò điệp thường sinh sống theo cụm. Nghĩa là những khu vực đáy biển thích hợp, chúng sẽ tập hợp lại thành dải như san hô với hàng ngàn con. Công việc của ngư dân là lặn xuống biển tìm kiếm các khu vực sò điệp này rồi khai thác. 

Sò điệp, đặc sản vùng biển miền Tây
Sò điệp, đặc sản vùng biển miền Tây 

Đặc sản biển miền Tây

Theo những ngư dân ở khu vực cảng Vàm Láng, sò điệp là một trong những sản phẩm thường ngày ở khu vực này. Bắt đầu từ tháng 3, ngư dân ở đây đã khai thác được sò điệp. Liên tiếp thời gian sau, kéo dài tới tháng 7, tháng 8, sò điệp cũng vẫn là nguồn thu chủ lực của nhiều ghe từ cảng này. Sau đó, tùy theo thời tiết - nếu ít mưa bão, tới tháng 9 ngư dân vẫn có thể khai thác được sò điệp. Ngược lại nếu mưa bão nhiều, các ngư dân sẽ nghỉ để chờ tới mùa biển sang năm.

Theo các thương lái thu mua sò điệp ở cảng Vàm Láng, tất cả sản phẩm này sau khi thu mua sẽ được đưa về TPHCM để tiêu thụ. Hiện nay sò điệp được coi là một đặc sản và thường chỉ xuất hiện ở các nhà hàng, quán ăn chứ ít tiêu thụ tại các khu vực chợ bình dân. Đặc biệt hơn nữa, ngoài công dụng là sản phẩm có thể chế biến được nhiều món ăn ưa thích, vỏ của sò điệp hiện nay cũng rất có giá trị.

Nhưng không chỉ có khu vực cảng Vàm Láng, vào mùa khai thác hải sản chính, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều khu vực cảng khác như cảng Đèn Đỏ, cảng Mỹ Long, cảng Duyên Hải, cảng Trần Đề dọc ven biển miền Tây đều có nhiều sò điệp được ngư dân săn bắt, đưa về.

Thú vị hơn nữa, tại cảng Vàm Láng chúng tôi cũng bắt gặp nhiều ngư dân ở dưới Sóc Trăng, Trà Vinh lên neo ghe tại đây để bán hải sản. Lý do bởi Vàm Láng rất gần TPHCM và có nhiều thương lái ở trên thành phố xuống đây săn lùng hải sản. “Ghe cập bờ, có loại nào ngon nhất là thương lái ở Sài Gòn họ chọn mua luôn. Như sò điệp, loại càng lớn, giá cao bao nhiêu họ cũng chịu. Vì thế nhiều ghe của ngư dân thường cập về cảng này để xuống hàng. Hiện nay, giao thông từ cảng Vàm Láng về thành phố rất thuận tiện, mà khoảng cách lại gần, chỉ 6 - 7 chục cây số mà thôi”, ngư dân Nguyễn Văn Duy ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) chia sẻ.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.