Mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin điện tử

GD&TĐ - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, tới đây Vụ sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin điện tử, mạng internet… 

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc.

Phát biểu tại tọa đàm Tọa đàm thông tin truyền thông về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày pháp luật Việt Nam năm 2019 và tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc "Pháp luật học đường" do Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 8/10 tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cho biết, 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW cho thấy, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật đã được chú trọng, đẩy mạnh.

Nội dung Phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Nhiều hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

Phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016-2017 đã thu hút hàng trăm ngàn học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước đăng ký tham gia; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, cuộc thi “hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III”… 

Tuy nhiên, trao đổi tại tọa đàm, đại diện đến từ các cơ quan thông tấn báo chí cho rằng: Hiện nay công tác Phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự đạt hiệu quả, vẫn còn hình thức; công tác Phổ biến giáo dục pháp luật mới chỉ được chú trọng ở những vùng sâu, vùng xa, trong khi ngay tại các đô thị lớn, công tác này lại chưa được quan tâm, dẫn tới hệ quả tại khu vực này vẫn còn vùng trũng về pháp luật. 

Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, hiện nay công tác giáo dục Phổ biến giáo dục pháp luật trên các cơ quan báo chí thời gian qua đã được thực hiện khá tốt, song để đạt hiệu quả, các mô hình được đăng tải trên báo chí để người dân biết, cần có sự ký kết với các cơ quan thông tấn báo chí để có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn, tăng cường tổ chức cho phóng viên báo chí đi thực tế cùng với các đoàn công tác phổ biến giáo dục pháp luật để kịp thời nắm bắt và phản ánh thông tin, chia sẻ cách làm hay, mô hình điển hình tới đông đảo quần chúng nhân dân…

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan báo chí, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, tới đây Vụ sẽ tiếp tục đổi mới nội dung Phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực;

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin điện tử, mạng internet… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.