Lãnh đạo công ty bỗng dưng “biến mất” tại Hải Phòng: Hơn 2.000 công nhân đội nắng đòi quyền lợi

GD&TĐ - Khi đến trụ sở làm việc vào sáng thứ 2 (12/8), hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam (số 196 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng) bàng hoàng khi phát hiện nhà xưởng bị niêm phong, Ban giám đốc biến mất. Hàng nghìn công nhân của công ty này đang “ăn chực, nằm chờ” tại cổng công ty, mong đòi được quyền lợi.

Hàng nghìn công nhân đội nắng đòi quyền lợi. Ảnh: TG
Hàng nghìn công nhân đội nắng đòi quyền lợi. Ảnh: TG

Nợ lương, nợ BHXH hàng chục tỷ đồng

Ngày 13/8, lãnh đạo UBND quận Kiến An, TP Hải Phòng xác nhận, vào ngày 12/8, trên địa bàn quận xảy ra sự việc hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam (Công ty Kai Yang), địa chỉ tại số 196 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An (Hải Phòng) ngừng việc tập thể sau khi nhận được thông tin chủ doanh nghiệp người Đài Loan bất ngờ “biến mất”.

Sáng 13/8, tại khu vực quanh các quán nước, phía gần cổng và trong sân của Công ty Kai Yang, hàng nghìn công nhân vẫn đứng tập trung thành từng nhóm để mong ngóng tin tức.

Chị Lương Thị Yến, người lao động ở công ty cho biết: “Sáng 12/8, khi chúng tôi đến nhà xưởng để làm việc thì phát hiện nhiều phân xưởng, nhà kho của công ty đã bị ngân hàng niêm phong và Ban giám đốc là người Đài Loan cũng đã “biến mất” từ bao giờ. Quá bất ngờ, chúng tôi tụ tập tại trước sân và cổng công ty để đợi và mong có được câu trả lời chính đáng từ những người quản lý”.

Tuy nhiên, theo chị Yến, nhân viên văn phòng và kể cả lực lượng bảo vệ không biết được lãnh đạo người Đài Loan đi đâu.

Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, công nhân mới được phép vào trong các phân xưởng để lấy đồ đạc cá nhân nhưng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng bảo vệ và các nhân viên của ngân hàng SeABank.

Cũng theo phản ánh của người lao động, cách đó một ngày, chiều 11/8, công nhân vẫn được huy động làm thêm giờ mà không hề nhận được thông báo về việc công ty ngừng hoạt động.

Hơn nữa trong nhiều năm qua, việc chi trả lương cũng như chính sách khác của Công ty Kai Yang vẫn đúng thời hạn. Thời điểm hiện tại công ty vẫn có nhiều đơn hàng nên người lao động không nghi ngờ gì về việc đóng cửa…

Chị Phạm Thị Oanh - một công nhân của công ty cũng cho biết thêm: “Lẽ ra đến ngày 10 hàng tháng chúng tôi được nhận lương tháng 7. Nhưng đợt này, Ban lãnh đạo công ty nói để lùi lại 2 ngày, đến thứ 2 ngày 12/8 sẽ thanh toán. Ai ngờ, nay họ bỏ đi hết, chúng tôi không biết đòi ai chỉ biết ngồi đây đợi”.

Ông Hoàng Đình Long - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Liên đoàn Lao động TP, Liên đoàn Lao động quận Kiến An kịp thời có mặt, phối hợp chính quyền địa phương, Công đoàn Công ty bàn phương án giải quyết.

Trước mắt, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng chỉ đạo Công đoàn Công ty thông báo với người lao động ổn định tâm lý, tư tưởng, tạm thời nghỉ việc để chờ thông tin từ phía doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo UBND phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Công ty Kai Yang đi vào hoạt động từ năm 2005 với 2.200 công nhân và 200 nhân viên văn phòng. Đây là công ty chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu. Tổng Giám đốc của công ty là ông Huang Sheng Che. Công ty có 100% vốn nước ngoài, do người Đài Loan quản lý. Trung bình mỗi công nhân làm việc tại đây được trả từ 9 - 10 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại công ty đang nợ lương công nhân 1 tháng 12 ngày chưa trả.

Bên cạnh đó, Công ty Kai Yang còn đang nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 5, 6, 7/2019, tương đương khoảng 9 tỷ đồng. Công ty này cũng vay nợ Ngân hàng Đông Á khoảng 49 tỷ đồng bằng việc thế chấp 1 đơn hàng; vay Ngân hàng Agribank Bắc Hải Phòng 100 tỷ đồng.

Tấm bảng thông báo khiến người lao động rơi vào tình cảnh mất việc
  • Tấm bảng thông báo khiến người lao động rơi vào tình cảnh mất việc

Lãnh đạo thành phố họp khẩn

Trước sự việc xảy ra, chiều 12/8, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp khẩn cùng các sở, ban, ngành để nắm thông tin vụ việc và có sự chỉ đạo kịp thời. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND quận Kiến An cùng các đơn vị liên quan báo cáo sự việc với Chủ tịch UBND TP.

Phía UBND quận Kiến An thông tin thêm, ngay sau khi nắm được tình hình, quận đã chỉ đạo công an bảo đảm an ninh trật tự và ATGT trong khu vực, báo cáo công an TP; yêu cầu Chủ tịch Công đoàn công ty tổ chức họp với quản đốc các phân xưởng để thông tin ổn định tình hình.

Sau khi nghe lãnh đạo quận Kiến An và đại diện các ngành, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất, Chủ tịch UBND TP đã giao quận Kiến An chủ trì phối hợp với Công an TP, Liên đoàn Lao động TP, Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành liên quan ổn định tư tưởng cho công nhân, không nghe các đối tượng xấu kích động. Nếu xảy ra nợ xấu, thành phố sẽ có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động. Tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, yêu cầu lực lượng bảo vệ công ty tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ; thành phố có trách nhiệm trả lương cho lực lượng này; khóa niêm phong các xưởng sản xuất, giữ an ninh trật tự, đảm bảo nguyên trạng máy móc, trang thiết bị công ty.

Bà Chu Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Kai Yang cho hay, công nhân đã được ổn định tâm lý. Trước mắt, công ty sẽ cho công nhân tạm nghỉ việc một thời gian cho đến khi có thông tin mới. Công đoàn công ty sẽ thông báo cụ thể đến từng người.

Bà Oanh cũng cho biết thêm, Chủ tịch HĐQT công ty đã đồng ý sáng 14/8/2019 sẽ bay sang Việt Nam để cùng các cấp công đoàn, cơ quan chức năng tiếp tục làm việc, thống nhất việc trả lương tháng 7 cũng như duy trì việc làm cho người lao động.

Trước đó, vào năm 2016, hàng ngàn công nhân cũng đã tổ chức ngừng việc tập thể phản đối về các chính sách lao động hà khắc của công ty này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.