Khẩu trang kém chất lượng tung hoành thị trường

Bắt giữ nhiều vụ làm khẩu trang giả, nhái

Khẩu trang kém chất lượng tung hoành thị trường ảnh 1
Một công nhân sản xuất khẩu trang y tế không bảo đảm việc tiệt trùng khi tay không đeo đồ bảo hộ như quy định.

Ngày 6/4, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, đơn vị này vừa khám xét khẩn cấp nơi ở của người tên Phạm Bảo Quốc (SN 1985, ngụ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa). Tại thời điểm khám xét, Phạm Bảo Quốc không có mặt ở nhà. Lực lượng công an đã thu giữ tại phòng khách 2 kg tấm lót khẩu trang (khoảng 130 cái/kg), 3 kg vải màu xanh và trắng, 15 cái khẩu trang vải thành phẩm. Khu vực tầng trệt có 529 kg vải với nhiều loại màu khác nhau.

Trước đó, ngày 3/4 lực lượng 389 gồm Công an, Quản lý thị trường huyện Đức Hòa đã kiểm tra 2 căn hộ của bà Nguyễn Thị Tím và Nguyễn Thị Bích Thủy (cùng ngụ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa). Qua kiểm tra đã thu giữ 255 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng, 830 vỏ hộp khẩu trang y tế mang nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Đặc biệt, tại hai căn nhà trên, lực lượng còn thu được hơn 24.000 cái khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu HAFAVINAPRO, Gauze Mask VINAPRO. Hơn 148 bộ đồ bảo hộ y tế không nhãn hiệu. 789 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash và BIGCARE cùng 30 lít dung dịch màu xanh không nhãn hiệu…

Cuối tháng 3, Thanh tra Y tế tại TPHCM cũng đã kiểm tra và thu giữ 27.850 khẩu trang y tế có nghi vấn về chất lượng khi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star tại quận Tân Phú. Trước đó, ngày 20/2, Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương kiểm tra hành chính cơ sở sản xuất khẩu trang y tế trên đường Phú Châu, phường An Bình, TP Dĩ An do ông Cao Hoàng Mai (SN 1983, ngụ TPHCM) làm chủ. Tại xưởng, công an thu giữ 218 kiện vải nguyên liệu (khoảng hơn 8 tấn), 2.500 khẩu trang thành phẩm, máy sản xuất khẩu trang cùng một số nguyên liệu khác...

Mặc dù, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn không làm “giảm nhiệt” cơn sốt và kinh doanh khẩu trang y tế giả, kém chất lượng. Trên các trang mạng, Facebook vẫn nhan nhản những lời chào mời mua khẩu trang y tế với giá từ 75.000 - 180.000 đồng/hộp 50 chiếc nhưng không kèm minh chứng giấy tờ pháp lý. Nhiều trang mạo danh Bộ Y tế để chào bán khẩu trang như “Tổng kho Thiết bị Y tế - Bộ Y tế”. Trang này rao bán khẩu trang công khai với giá 75.000 đồng/hộp. Trang chứa đựng nhiều nội dung quảng cáo khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn, đã tiệt trùng, lọc khuẩn, lọc virus, ngăn ngừa khói bụi. Cũng có fanpage lấy tên “Khẩu trang chuẩn Bộ Y tế”… Bộ Y tế khẳng định, không xây dựng trang mạng nào để rao bán khẩu trang các loại.

Lựa chọn khẩu trang đúng cách

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho rằng, ngoài việc đeo khẩu trang đúng cách để phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19 thì người dân còn phải trở thành những người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn mua khẩu trang bảo vệ mình. Để lựa chọn đúng một khẩu trang chuẩn chất lượng, bảo đảm kháng khuẩn, phòng vệ thì người dân nên mua khẩu trang tại nhà thuốc hoặc tạp hóa lớn để bảo đảm nguồn gốc. Không nên mua sản phẩm được bày bán ở dọc vỉa hè.

“Một cái khẩu trang y tế bảo đảm chất lượng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế, sản xuất trong quá trình giám sát rất nghiêm ngặt. Vì vậy, khi mua người dân nên kiểm tra kỹ những thông tin được in trên hộp đựng bao gồm nhãn hiệu, nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng. Thực tế, trên thị trường hiện có rất nhiều loại khẩu trang, với nhiều tính năng như: Chống nắng, chống khói bụi, ngăn vi khuẩn, virus. Do đó, người dùng nên biết lựa chọn cho hợp lý. Nếu đi đến bệnh viện thì nên chọn loại chống virus, còn đi ra ngoài đường thì nên chọn loại khẩu trang chống nắng để bảo vệ mình” – bác sĩ Khanh lưu ý.

Cần xử nghiêm theo luật định

Theo luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, Đoàn Luật sư TPHCM, việc sản xuất kinh doanh hàng giả tùy theo tính chất mức độ, động cơ cũng như giá trị thu lợi bất chính sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện là công cụ, máy móc để sản xuất hàng giả.

Ngoài ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng. Hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Phạt tù từ 5 - 10 năm nếu cá nhân đó gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, làm chết người. Hàng giả trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…

Đặc biệt, phạt tù từ 7 - 15 năm nếu hành vi làm hàng giả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên, làm chết 2 người trở lên. Hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lê Bá Thường, với pháp nhân thương mại sản xuất, bán buôn hàng giả thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.