Go-viet thay đổi chính sách thưởng: Kết quả được báo trước!

GD&TĐ - Không quá bất ngờ khi Go-viet thay đổi chính sách thưởng đối với tài xế. Trước xu thế phát triển của thị trường thì việc thay đổi lối vận hành của một bộ máy là hoàn toàn bình thường.

Hàng trăm tài xế Go-viet tập trung tại trụ sở công ty để phản đối chính sách mới
Hàng trăm tài xế Go-viet tập trung tại trụ sở công ty để phản đối chính sách mới

Thay đổi mức thưởng, tài xế phản đối

Vừa qua, hàng trăm tài xế của hãng “xe ôm công nghệ” Go-viet đã tập trung tại trụ sở công ty trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn giao với đường Trương Định (quận 3, TPHCM) để đình công. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ 18/7 Go-viet thay đổi chính sách điểm thưởng khi tăng lên gấp 3 lần so với hiện tại. Theo chính sách cũ, 1 ngày tài xế chạy khoảng gần 15 đơn hàng là đạt 28 điểm thưởng, tương đương 180.000 đồng. Với chính sách mới, tài xế phải chạy đủ 80 điểm để nhận mức thưởng 240.000 đồng, nghĩa là phải chạy gần 40 đơn.

Nhiều tài xế tỏ ra bức xúc bởi số tiền thưởng được cho là bù xăng xe cho tài xế thì nay bị đẩy lên cao nên rất khó đạt được. “Cách tính cước mới buộc tài xế phải chạy nhiều hơn mới đạt các cột mốc thưởng. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến hàng trăm tài xế Go-viet tắt ứng dụng bởi có chạy cả ngày cũng khó đủ”, một tài xế bức xúc.

“Khi xây dựng chính sách cũng cần để các bác tài xe ôm công nghệ còn đường sống, nếu quay lưng với họ thì hãng Go-viet sẽ trả giá đắt”, nhiều tài xế nêu quan điểm.

Không làm thu nhập của tài xế giảm

Trước phản ứng dữ dội của tài xế, đại diện Go-viet đã có buổi làm việc trực tiếp với 100 tài xế đại diện nhóm đình công để giải đáp khúc mắc. Theo đó, các tài xế đều lo ngại việc áp dụng chính sách mới sẽ khiến họ khó nhận điểm thưởng, làm giảm thu nhập.

Tuy nhiên, Go-viet khẳng định tổng thu nhập của tài xế sẽ không giảm vì điểm thưởng. Theo đó, với chính sách cũ, số thưởng tối đa mà các tài xế nhận được là 180.000 đồng thì nay được nâng lên 240.000 đồng. Điểm thưởng đối với mỗi cuốc xe cũng tăng lên gấp đôi so với trước đây.

Đại diện Go-viet cho biết, cách tính mới dựa vào phân tích dữ liệu, cân bằng quyền lợi giữa khách đặt chuyến và tài xế. Theo đó, thu nhập của tài xế Go-viet hiện dựa trên hai nguồn: Thu nhập thuần và điểm thưởng. Tài xế chạy càng nhiều cuốc càng được thưởng thêm, thu nhập thuần cũng tăng.

Trong cách tính thưởng mới của Go-viet, các điểm thưởng đều được nhân lên 2 lần, tức cùng một cuốc chạy thì số điểm thưởng ở cách tính mới được tăng gấp 2,có lợi cho tài xế. Tuy vậy, yêu cầu để đạt được các mốc mới khó hơn trước.

Thay đổi chính sách: Cần hợp lý

Việc một doanh nghiệp thay đổi cơ chế vận hành để phù hợp với xu thế phát triển là hoàn toàn bình thường. Go-Viet cho biết, sẽ chính thức áp dụng chính sách nhân giá theo nhu cầu (giá cước tăng giờ cao điểm), giúp phần thu nhập thuần của tài xế cũng tăng hơn trước. Do đó, tổng thu nhập sẽ không giảm. Như vậy, để phù hợp với việc thay đổi chính sách, tài xế Go-viet bắt buộc phải chạy nhiều khung giờ hơn thay vì… tắt app giờ cao điểm.

Sau buổi làm việc với 100 đại diện các nhóm đình công của tài xế, Go-viet cho biết sẽ ghi nhận ý kiến tài xế, tuy nhiên không trả lời rõ ràng có thay đổi hay không. Đồng thời cho biết đã làm việc với các đại diện tài xế và có nhóm đồng tình, có nhóm không đồng tình. 

Anh Nguyễn Thanh Hà, tài xế Go-viet ngụ tại phường 4 (quận 8, TPHCM) cho biết: “Chính sách cũ của Go-viet không tăng giá giờ cao điểm nên rất thiệt thòi cho tài xế”. Anh Hà cho biết thêm, cứ đến giờ cao điểm nhiều tài xế của Go-viet tắt App quay ra chạy Grab hoặc Bee. Theo anh Hà, có thể hiểu cho việc thay đổi chính sách của Go-viet. “Trước kia cứ đến giờ cao điểm tài xế đều tắt App Go-viet để chạy cho bên khác. Điều này đã vi phạm vào điều khoản hợp đồng, ảnh hưởng tới khách gọi xe. Việc thay đổi chính sách cũng là hợp lý”, anh Hà phân tích.

Theo cách tính mới, Go-viet sẽ áp dụng phương thức giờ cao điểm, giống như một số hãng “xe ôm công nghệ” khác. Nghĩa là, vào giờ cao điểm, giá cước Go-viet sẽ tăng lên. Ngoài ra, khi chạy trong giờ cao điểm, điểm thưởng của tài xế cũng tăng lên.

Theo một chuyên gia vận tải, một tài xế chạy trung bình ngoài đường từ 8 - 10 tiếng cần phải được nghỉ ngơi. Vượt qua ngưỡng này sẽ không bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho khách hàng. Tuy nhiên, chính sách điểm yêu cầu để được thưởng của Go-viet tăng gấp đôi, đồng nghĩa với việc muốn được thưởng tài xế phải cày gấp đôi sức lực so với trước đây. Quy định này sẽ không có nhiều người đáp ứng được. “Việc đình công này không phải là vài chục mà là hàng trăm tài xế và kéo dài suốt cả ngày thì công ty nên xem lại chính sách của mình”, vị chuyên gia cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ