Giao thông công cộng Hà Nội: Thiếu kết nối trung chuyển hành khách

Thiếu kết nối trung chuyển hành khách trong giao thông công cộng ở Hà Nội gây khó khăn đi lại cho người dân.

Giao thông công cộng Hà Nội: Thiếu kết nối trung chuyển hành khách

Thời gian tới, sau khi thẩm định an toàn kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh- Hà Đông) sẽ được đưa vào sử dụng với kỳ vọng hoạt động vận tải này sẽ thay đổi căn bản bộ mặt giao thông thủ đô cũng như quan niệm cũ người dân về vận tải công cộng. Việc tổ chức xe buýt đấu nối, dịch vụ hỗ trợ với đường sắt đô thị đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng. 

giao thong cong cong ha noi: thieu ket noi trung chuyen hanh khach hinh 1
Hệ thống bán đỗ của xe buýt BRT vẫn còn nhiều hạn chế.

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng là sự thuận tiện, tính kết nối giữa các điểm chờ xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị. Sau gần ba năm đi vào hoạt động, kinh nghiệm tổ chức đấu nối, điều hành hệ thống xe buýt BRT cho thấy nhiều điểm còn hạn chế. 

Bà Nguyễn Thị Liên, nhà ở  quận Ba Đình nhận xét, tại nhiều vị trí muốn đi tới hệ thống xe buýt BRT còn chưa thuận tiện, thông tin các điểm đấu nối với BRT còn thiếu.

"Ngày nào cũng đi xe buýt, đi xe buýt bây giờ rất thuận tiện. Tuy nhiên BRT là không hiệu quả ở Việt Nam, phải tổ chức như thế nào cho thuận tiện hơn", bà Liên nói.

giao thong cong cong ha noi: thieu ket noi trung chuyen hanh khach hinh 2
Thói quen đi xe buýt của người dân ngày càng tăng.

Hiện nay, điều mà nhiều người dân mong muốn là tại những vị trí bến BRT, hay ga đường sắt đô thị còn thiếu điểm trông giữ xe.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng nhà ở Hà Đông, hàng ngày vẫn đi làm bằng xe buýt khẳng định, thói quen, cũng như tiện ích của người dân thủ đô vẫn là đi xe máy. Khi hệ thống trung chuyển còn chưa tốt thì cần phải làm những bãi gửi xe máy cho người dân. Ở nước ngoài hệ thống gửi xe cao tầng tại các khu vực nhà ga, bến tàu rất phổ biến.

"Tôi thấy đối với đường sắt trên cao rất thuận tiện cũng như BRT thì cần có chỗ cho người dân gửi xe thì sẽ hiệu quả thôi…", anh Hoàng cho hay.

Để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào sử dụng, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất phương án duy trì, điều chỉnh, mở thêm các tuyến buýt thường tạo sự kết nối với đường sắt đô thị, tổ chức 12 điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp với 11 nhà ga của tuyến đường sắt. 

Theo đó, phương án kết nối phải đảm bảo phục vụ tốt lượng hành khách di chuyển trên tuyến đường sắt đến các điểm và không làm ảnh hưởng, trùng lặp đến hành khách do xe buýt đảm nhận. Việc điều chỉnh luồng tuyến phải tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc. Mục tiêu nhằm giúp hành khách dễ dàng trung chuyển lên tuyến đường sắt. Khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, khách đi tàu cũng có thể dễ dàng đón tuyến buýt nhanh BRT tại hai điểm đầu tuyến là bến xe Yên Nghĩa và điểm bến xe Kim Mã. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, nếu hai hệ thống xe buýt BRT và đường sắt đô thị phát huy tốt hiệu quả sẽ tăng năng lực vận tải hành khách công cộng lên rất nhiều.

"Rõ ràng hai hệ thống này là hiệu quả chỉ khi liên thông tốt. Phải phối hợp tốt trong vận hành, trung chuyển tốt và hệ thống vé liên thông. Hiện thành phố đang chỉ đạo kết nối trung chuyển hệ thống vé điện tử liên thông với nhau", ông Hải cho biết thêm.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sẽ đảm bảo năng lực vận chuyển khoảng 350.000 hành khách/ngày. Thời gian tới, khi các dự án đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt phát huy tốt hiệu quả sẽ thay đổi căn bản cách nhìn, cũng như thói quen của người dân khi đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ