Giá thịt lợn tăng cao - giá bò, gà... theo đà tăng hỗn loạn

GD&TĐ - Dự báo thị trường thịt lợn sẽ còn nóng, và việc người tiêu dùng buộc phải thay thế phần thịt lợn còn thiếu bằng những loại protein khác như thịt gà, thịt bò, cá tôm… sẽ kéo giá các loại thịt khác tăng theo.  

Giá thịt lợn tăng cao một phần lớn do dịch bệnh.
Giá thịt lợn tăng cao một phần lớn do dịch bệnh.

Giá một số loại thịt vào giữa tháng 11/2019 vừa qua đều có tăng. Theo đó, giá thịt lợn đã đạt mức cao chưa từng thấy trong những năm gần đây. Cách nay khoảng 3 năm, giá thịt lợn lên cao nhất là 63.000 đồng/kg.

Nhìn lại thị trường thịt lợn hơi năm nay, giá mặt hàng này có thời gian đã xuống sâu do lo ngại về chất lượng sản phẩm và dịch bệnh (tháng 3, 4, 5) nhưng sau đó từ cuối tháng 6, giá thịt lợn đã tăng dần và hiện ở mức rất cao do nguồn cung giảm mạnh.

Cùng với thịt lợn, giá gà công nghiệp và giá bò hơi cũng tăng nhẹ. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, mấy tháng trước, giá gà công nghiệp dao động 14.000 - 18.000 đồng, nay đã tăng lên 24.000 đồng. Các loại gà màu, gà tam hoàng, vịt cũng tăng nhẹ và đang dần ổn định trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Dù giá tăng nhưng được biết nguồn cung gà hiện nay rất dồi dào, không lo thiếu trong dịp cuối năm. Trong khi đó giá bò hơi hiện cũng đã lên 75.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so tháng trước. Giá tăng được cho là do thương lái chuyển sang tìm mua bò vì nguồn cung heo khan hiếm.

Cũng theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua mà báo chí phản ánh phần chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. 

Trong đó, đã có biểu hiện hộ chăn nuôi găm hàng, tiểu thương thổi giá lợn lên cao. Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, nguồn lợn thịt còn lại chủ yếu nằm ở các công ty, trang trại lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dịch thì gần như không còn. Việc tiếp cận nguồn thịt lợn khó khăn khiến các cơ sở giết mổ phải mua lợn với giá cao.

Khảo sát một số người bán thịt lợn ở các chợ cho thấy, hiện lượng lợn trong dân ở nhiều địa phương hầu như không còn, lợn sữa cũng khan hiếm vì lợn nái bị dịch bệnh. Hiện nguồn cung thịt lợn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Theo dự đoán, phải khoảng cuối quý 1 đến quý 2/2020 cung lợn mới gia tăng rõ rệt, bởi người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện tại phải chờ việc gây giống lợn nái rồi mới có lợn con để nuôi.

Dự đoán xa hơn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ vẫn giảm tiếp 10% do dịch ASF ảnh hưởng tới số lợn nuôi ở những nước sản xuất chủ chốt.

Dự báo sản lượng ở Trung Quốc sẽ giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%...Tuy nhiên, sản lượng cũng sẽ tăng ở một số khu vực sản xuất lớn như ở Mỹ dự báo tăng 4%, Brazil tăng 5%...

Theo USDA, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo tăng 10% lên 10,4 triệu tấn, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 35% và chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu trên toàn cầu. Philippines cũng sẽ tăng 32% nhập khẩu do nguồn cung trong nước giảm mạnh vì dịch bệnh.

Dự báo thị trường thịt lợn sẽ còn nóng, và việc người tiêu dùng buộc phải thay thế phần thịt lợn còn thiếu bằng những loại protein khác như thịt gà, thịt bò, cá tôm… sẽ kéo giá các loại thịt khác tăng theo.

Nhận định thời gian tới, nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ tăng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thuỷ sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, trên cơ sở an toàn sinh học, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết sắp tới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tình trạng thịt lợn tăng giá là do thiếu hụt chứ không phải thương lái găm hàng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp chặt với Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê làm lại báo cáo, đánh giá thực chất, khẳng định thiếu hay không, khẳng định các giải pháp đã thực hiện và đưa ra các biện pháp giải quyết cung- cầu để bù đắp thiếu hụt, chưa kể nhu cầu những ngày lễ, Tết khi thực phẩm thịt lợn tăng 25- 30%/ngày. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ