Giá thịt lợn có thể bị doanh nghiệp “làm giá”

Giá thịt lợn lên cao, theo nhận định chuyên gia chăn nuôi, không loại trừ có tình trạng các cơ sở chăn nuôi đang cố tình găm hàng nhằm đẩy giá.

Không loại trừ có tình trạng các cơ sở chăn nuôi đang “cố tình” găm hàng nhằm đẩy giá.
Không loại trừ có tình trạng các cơ sở chăn nuôi đang “cố tình” găm hàng nhằm đẩy giá.

Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả châu Phi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn trong nước, với hơn 5 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Theo tính toán với mức thiệt hại do bệnh dịch tả châu Phi gây ra, sản lượng thịt lợn trong nước đang thiếu hụt khoảng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều chuyên gia lo ngại, với đà tăng giá như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ trở nên khan hiếm những tháng cuối năm. 

Những ngày vừa qua, giá lợn hơi trong nước liên tục tăng cao với mức dao động từ 55.000 - 70.000 đồng/kg. Đây là mức tăng giá lợn hơi cao nhất ở nước ta trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây.

Nhiều chuyên gia lo ngại giá thịt lợn tăng cao sẽ kéo theo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá, tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm. Việc giá lợn hơi liên tục đang tăng nhanh khiến dư luận đặt ra câu hỏi: có hay không việc các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn găm hàng làm giá?!

Theo PGS. TS. Lê Văn Năm, chuyên gia chăn nuôi nhận định, không loại trừ có tình trạng các cơ sở chăn nuôi đang “cố tình” găm hàng nhằm đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ rất có thể đối tượng chịu thiệt hại trước “cơn bão” giá lợn những tháng cuối năm lại chính là các cơ sở chăn nuôi.

“Chúng ta phải xác định Luật Kinh tế, việc đầu cơ tích trữ lợn để chờ tăng giá là có thể có và có thể xảy ra. Tuy nhiên, họ phải tính hậu quả kinh tế vì theo tính toán heo xuất chuồng từ 80 - 110 kg là hiệu quả kinh tế cao nhất…” - PGS. TS. Lê Văn Năm phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá lợn tăng nhanh như hiện nay có nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước từ ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, tình trạng thương lái Trung Quốc “tràn sang” tìm cách thu mua lợn khiến áp lực tăng giá thịt lợn ở nước ta càng trở nên lớn hơn.

Hiện nay, giá lợn tại thị trường Trung Quốc đang tiếp tục tăng với mức trung bình trên 100.000 đồng/kg. Do mức chênh lệch giá giữa thị trường trong nước đang thấp hơn các nước khác trong khu vực, đặc biệt là thấp hơn thị trường Trung Quốc khoảng hơn 30% nên đã xảy ra tình trạng một số trang trại lớn có lợn xuất chuồng đã bán hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. 

Chị Nguyễn Kim Ánh – chủ một trong trại nuôi lợn ở xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho biết, chi phí đầu vào cho 1 kg lợn ở thời điểm hiện nay dao động từ 40.000 – 45.000 đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Với mức giá trung bình từ 55.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay thì người chăn nuôi mới bắt đầu có lợi nhuận.

“Với giá lợn như thế này thì phải đắt khoảng 1 năm thì mới bù lại được thời điểm dịch vừa rồi vì như lợn…” - chị Ánh nói.

Trước diễn biến của giá lợn trên thị trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn yêu cầu, ngoài nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, kiểm soát tái đàn thì các địa phương phải đảm bảo nguồn cung thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trong nước. Tăng sức sản xuất đại gia súc, gia cầm, thủy sản và các nguồn thực phẩm khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt cục bộ về thịt lợn.

Tuyên truyền việc điều chỉnh khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của mỗi gia đình đi đôi với kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn lợn, tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm dịp cuối năm cần tập trung tăng bình ổn giá đối với mặt hàng thịt lợn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thị trường thịt lợn sẽ không bị xáo trộn nếu các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm chung tay với Chính phủ vì sự phát triển của ngành chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng.

“Đối với thị trường thì chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường trong nước và người tiêu dùng bằng cách không được tăng giá vô lối” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến hết năm 2019 giá thịt lợn trong nước được dự đoán sẽ biến động mạnh. Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn thì ngành chăn nuôi cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, đảm bảo sự ổn định của thị trường thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ