Gang thép Thái Nguyên đội vốn lên 8.100 tỷ đồng: 4 Bộ từng ý kiến gì?

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng là thiếu cơ sở, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Vậy 4 bộ, ngành (Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước) từng có ý kiến gì?

Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư. Ảnh: Toquoc.vn
Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư. Ảnh: Toquoc.vn
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, sau tăng vốn lên hơn 8.100 tỷ đồng.

Song quá trình triển khai dự án này, đụng đâu cũng có sai phạm, liên quan đến trách nhiệm của TISCO, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương... Một trong những sai phạm được chỉ ra là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng vốn bất hợp lý

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2012, trên cơ sở đề nghị của TISCO, VNS, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng về việc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng.

Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành (Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có ý kiến.

Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu, dự án tăng tổng mức đầu tư lớn, thêm hơn 4.200 tỷ đồng thuộc diện thẩm tra đầu tư và phải được thẩm định lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi.

Mặt khác, trong tổng số hơn 4.200 tỷ đồng đồng tăng thêm, chi phí cho gói thầu EPC số 01 do Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện tăng nhiều nhất (hơn 3.000 tỷ đồng) chiếm 72% tổng số vốn đầu tư tăng thêm.

“Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TISCO làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các bên liên quan”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Bộ Kế hoạch Đầu tư thì lưu ý, dự án này không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn Nhà nước và không có cơ sở để điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với Hợp đồng EPC 01.

Theo phân tích của Bộ này, MCC thực hiện hợp đồng EPC 01 chậm tiến độ thực hiện nhiều hạng mục. Vì vậy, nếu MCC không đưa ra giải pháp, khẩn trương triển khai để hoàn thành gói thầu thì TISCO áp dụng điều khoản phạt hợp đồng quy định trong hợp đồng đã ký, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả, tiến độ dự án…

“Các đề xuất của nhà thầu về điều chỉnh liên quan đến các chi phí về nhân công, máy thi công (thuộc phần xây lắp), chi phí thiết bị là không khả thi và không phù hợp với quy định hiện hành. Đề xuất tăng chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật, nhà thầu MCC thực hiện chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký và chưa có giải pháp khắc phục vì vậy không có lý do gì để được điều chỉnh giá; về đề xuất bù thiệt hại do thay đổi tỷ giá USD/RMB cần xem xét hợp đồng ký bằng loại đồng tiền nào, trường hợp ký bằng USD thì không xem xét điều chỉnh”, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra ý kiến.

Phía Bộ Xây dựng tuy thống nhất với kiến nghị của Bộ Công Thương, nhưng cho rằng, “dự án đang triển khai bằng hợp đồng EPC. Vì vậy, việc quản lý thực hiện hợp đồng phải theo nội dung hợp đồng đã ký kết và quy định của Nhà nước có liên quan”.

Không đúng pháp luật về đầu tư

Đi vào chi tiết, theo Bộ Tài chính, bảng giải trình của TISCO về điều chỉnh tăng chi phí một số nội dung của dự án chưa rõ lý do và tăng chưa hợp lý như: chi phí xây lắp Phần C tăng lên gấp 4 lần (hơn 2.900 tỷ đồng) là không hợp lý trong khi sắt, xi măng, nhân công chỉ tăng 0,5-0,8 lần. Hay chi phí quản lý dự án, tư vấn tăng thêm hơn 61 tỷ đồng (hơn 100% so với ban đầu) là không hợp lý.

Từ những lý do trên, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư, xem xét khả năng thu xếp vốn tự có của chủ đầu tư, hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án… Từ đó mới có cơ sở để xem xét việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Tuy vậy, ngày 22/4/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “Hội đồng Quản trị (HĐQT) VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả... đồng ý về nguyên tắc các Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam xem xét cho vay tiếp. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Căn cứ văn bản này, Chủ tịch HĐQT TISCO đã ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, năm 2013, MCC và các nhà thầu phụ Việt Nam đã dừng thi công. 

Ngày 26/8/2014, Bộ Công Thương lại có văn bản báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ nêu, tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 8.100 tỷ đồng đã được Bộ này và VNS rà soát thẩm tra.

Từ đó, Văn phòng Chính phủ trình Phó Thủ tướng ký Văn bản số 2339/TTg-KTTH gửi các bộ, ngành, VNS và TISCO trong đó có nội dung “tiếp tục thực hiện Dự án với TMĐT điều chỉnh là 8.104.000 triệu đồng… Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước góp vốn tối thiểu 1.000.000 triệu đồng”.

Ngày 11/6/2015, Văn phòng Chính phủ có ban hành Văn bản số 196/TB-VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị bị hư hỏng bởi rỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày, trông coi, bảo vệ)”...

“Những nội dung trên tại 02 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư”, Thanh tra Chính phủ kết luận, “trách nhiệm thuộc về Lãnh đạo và các cán bộ có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, cán bộ có liên quan thuộc VNS; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, cán bộ có liên quan thuộc TISCO….

Theo thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ