Dự án nghĩa trang nhân dân TP Sơn La: Chờ “trọng tài” phán quyết

GD&TĐ - Đã 7 lần tỉnh Sơn La đi tìm vị trí để đặt Nghĩa trang nhân dân nhưng đều “bất thành”. Ở lần thứ 8, khi chọn khu vực Phiêng Khá, sát với Trường ĐH Tây Bắc để triển khai, Sơn La vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía tập thể giảng viên, cán bộ nhà trường, học sinh sinh viên và nhân dân. Thế nên, Sơn La đành phải nhờ đến phán quyết của Bộ TN&MT trong khi nhiều người cho rằng lẽ ra công việc này phải được làm từ trước.

Trong khi đang lấy ý kiến góp ý từ phía nhân dân thì dự án mở đường vào nghĩa trang đã được triển khai rầm rộ. Ảnh: M.T
Trong khi đang lấy ý kiến góp ý từ phía nhân dân thì dự án mở đường vào nghĩa trang đã được triển khai rầm rộ. Ảnh: M.T

Đầu tư “mạnh tay”

Sáng 4/4, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết, trước những e ngại về vấn đề môi trường khi đặt Nghĩa trang ở vị trí hiện tại của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên và nhân dân, mới đây TP Sơn La đã chủ trì tổ chức một đoàn công tác tham quan mô hình ở các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên. Thành phần tham gia có Trường ĐH Tây Bắc, Sở Xây dựng và các phường liên quan. Bằng cảm quan, mọi người thấy rõ lò hoả táng ở Hưng Yên không thể chấp nhận được.

Chứng kiến lò hoả táng của Nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ (hiện đại nhất hiện nay với công nghệ của Thuỵ Điển) hoạt động thì có 5/42 ý kiến thành viên đoàn phản đối việc đặt vị trí nghĩa trang như Sơn La. Tuy nhiên, về phía Trường ĐH Tây Bắc thì cho rằng, việc tổ chức cho đoàn tham gia khảo sát chưa đảm bảo khách quan vì các thành viên trong đoàn không được tiếp cận với người dân sống xung quanh để thu thập thông tin về mức độ ảnh hưởng. Trong khi Trường ĐH Tây Bắc độc lập đi thu thập thì người dân sống gần Nghĩa trang Thiên Đức ở Phú Thọ phản ứng dữ dội.

Mới đây, ngày 22/3, UBND tỉnh Sơn La đã có Văn bản số 868/UBND-KT gửi Bộ TN&MT với hai nội dung được đề xuất. Thứ nhất, giới thiệu cho tỉnh Sơn La về công nghệ, loại hình lò đốt hoả thiêu tiên tiến nhất đang được áp dụng, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường hiện tại cũng như lâu dài. Thứ hai, giới thiệu đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án nghĩa trang nhân dân theo quy định. Ông Phan Minh Châu cho rằng, nếu như “trọng tài” phán quyết Sơn La cần đầu tư lò thiêu với công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn công nghệ được áp dụng ở Nghĩa trang Thiên Đức mà bảo đảm các tiêu chí về môi trường thì tỉnh cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, cho đến nay Sơn La vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ phía Bộ TN&MT mặc dù địa phương này đang rất “ráo riết” triển khai.

“Tỉnh Sơn La đang dừng thi công dự án Nghĩa trang nhân dân để giải đáp những e ngại về vấn đề môi trường để dân đồng thuận”, ông Phan Minh Châu nói.

Ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho rằng, dự án chưa có nhà đầu tư . Ảnh: M.T
  • Ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho rằng, dự án chưa có nhà đầu tư . Ảnh: M.T

Làm ngược quy trình?

Trả lời câu hỏi của Báo GD&TĐ về việc liệu Sơn La có đang làm ngược quy trình không khi mà một phần hạng mục của dự án đang được triển khai, Quyết định về việc Quy hoạch Nghĩa trang nhân dân cũng đã được công bố; chỉ khi nhận được phản ứng trái chiều từ phía nhân dân, TP Sơn La mới tiến hành bước đánh giá tác động môi trường(?), ông Phan Minh Châu khẳng định, tỉnh Sơn La đang làm đúng(?).

“Không phải ngược. Thực ra thế này, phải có nhà đầu tư người ta lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tức là phải có nhà đầu tư trước, đánh giá tác động môi trường thì phải có vị trí, địa điểm. Thế còn cách mà tỉnh đang triển khai là làm theo từng bước sao cho phù hợp với quy định của pháp luật cũng như nguyện vọng của đông đảo nhân dân, sau đó mới quyết định. Nếu không đáp ứng các tiêu chí về môi trường thì chắc chắn tỉnh sẽ chuyển sang một vị trí khác phù hợp hơn”, ông Châu nói.

Ông Châu khẳng định như vậy, nhưng thực tế dự án đang được triển khai, việc phá đá, mở đường được tiến hành từ cuối năm ngoái. “Dự án rõ ràng là dự kiến làm rồi. Đó là tỉnh làm chứ không phải nhà đầu tư làm. Đã có nhà đầu tư đâu(?). Còn dự án mở đường được xác định với hai mục đích vừa đi vào nghĩa trang, vừa đi vào khu sản xuất của bà con ở bản Huổi Hin”, ông Châu khẳng định.

Trên thực tế, đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án (Khoản 2, Điều 19). Trong khi một số hạng mục của dự án Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La đã được triển khai, phương án và vị trí đặt nghĩa trang cũng đã chốt.

Trong buổi làm việc, ông Phan Minh Châu không ít lần khẳng định hiện tại vẫn chưa có nhà đầu tư cho dự án Nghĩa trang Sơn La. Bởi thế tỉnh mới “cầu cứu” Bộ TN&MT giới thiệu đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá tác động môi trường. Nếu vị “trọng tài” này “tuýt còi” thì Sơn La sẽ di chuyển nghĩa trang đến địa điểm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.