Dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo gần 22 năm: Hàng nghìn hộ dân sống cơ cực

Dự án Làng ĐH Đà Nẵng hiện nay mới chỉ có 3 cơ sở nhỏ hình thành
Dự án Làng ĐH Đà Nẵng hiện nay mới chỉ có 3 cơ sở nhỏ hình thành

Như làng xóm bỏ hoang

Nhắc đến dự án Làng ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Khánh, 60 tuổi, tổ 62, An Hải 1, phường Hòa Quý giọng buồn buồn: “Nói thế chứ biết đến khi nào giải tỏa, di dời. Hơn 20 năm nay, nghe tiếng “giải tỏa, di dời” miết cũng nhàm. Nhiều người dân không còn tin điều đó nữa. Cho nên đến lúc mô giải tỏa, di dời rồi hay”.

Đặt chiếc ghế dưới góc cây mời chúng tôi ngồi, ông Khánh tỏ ra ái ngại vì ngồi trong nhà nhìn lên mái tôn chi chít lỗ sáng như sao trời, nắng xuyên qua từng sợi, không khí ngột ngạt, oi bức. “Trời nắng mấy cũng chịu được, nhưng sợ nhất trời mưa, hay gió bão. Nhà cửa không biết sụp lúc nào”, ông Khánh buồn rầu.

Hỏi về cuộc sống kinh tế gia đình, ông Khánh chậm rãi kể: Trước đây vợ chồng tôi sống bằng nghề nông. Nhà làm gần 3 mẫu đất. Đất canh tác liên tục từ làm lúa, trồng đậu, trồng khoai, làm dưa… Mùa nào cây đó, nên thu nhập cũng đỡ. Từ ngày bàn giao đất cho dự án cơ sở 2 Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Viện Khoa học và Xã hội, Trường CĐ Công nghệ Thông tin (ĐH Đà Nẵng), vợ chồng tôi chuyển sang làm nghề “thợ đụng”. Đụng việc gì làm việc đó. Ai thuê gì làm nấy. Chi phí sinh hoạt, tiền học cho 3 đứa con cũng chỉ trông cậy vào ngày công làm thuê. “Kể vậy chứ, nếu so với điều kiện hoàn cảnh nhiều gia đình khác, xem ra vợ chồng, gia đình tôi có đỡ hơn”, ông Khánh cười như mếu.

Có lẽ điều ông Khánh nói đúng, bởi ở cạnh nhà ông, nhà bà Trường Thị Thảo có hoàn cảnh cũng khá éo le. Chồng bị bệnh nặng, nằm một chỗ bao năm nay, một mình bà lo cáng đáng cả gia đình. Một tay chăm sóc chồng lâm bệnh, một tay lo lắng cho ba người con ăn học, rồi gả chồng. Người con gái đầu lấy chồng, sinh con không có chỗ ở, đành chen chúc nhau sống dưới mái nhà tôn cũ nát được ông ngoại để lại. Nhà cửa ọp ẹp, xuống cấp không biết sụp đổ lúc nào. Muốn sửa sang lại cho chắc chắn mà đâu có được. Dự án treo Làng ĐH Đà Nẵng cứ dài ra không biết lúc nào thực hiện.

Hay như hoàn cảnh đáng thương của bà Lê Thị Thêm (tổ 61, An Hải 1, phường Hòa Quý). Bà bảo, cách đây 22 năm, nghe tin xây dựng Làng ĐH, tui mừng lắm. Vui mừng vì di dời, giải tỏa rồi sẽ về được sống trong khu dân cư khang trang, đẹp đẽ. Con cháu sẽ có điều kiện ổn định làm ăn, học tập. Thế nhưng, 22 năm trôi qua, đến tận bây giờ, không chỉ con cái lập gia đình sinh con đẻ cái, mà cháu nội, cháu ngoại lớn lên dựng vợ, gả chồng hết rồi, mà Làng ĐH Đà Nẵng không thấy mô. Chờ đợi, mong chờ dự án triển khai khiến cuộc sống người dân cũng dở dang với bao dự định.

Người dân bức xúc trước dự án kéo dài gần 22 năm
Người dân bức xúc trước dự án kéo dài gần 22 năm 

Mòn mỏi ngóng chờ

Nhắc đến việc di dời, giải tỏa, ông Nguyễn Công Thịnh (47 tuổi, tổ 61, An Hải 1, phường Hòa Quý) bức xúc: Dự án treo gần 22 năm là 22 năm người dân chúng tôi sống trong thấp thỏm, lo âu. Điều kiện sinh sống thì thiếu thốn, cuộc sống trở nên bức bí. Có giải tỏa, di dời chi thì phải làm ngay. Không di dời, giải tỏa thì cho dân chúng tôi sửa sang nhà cửa để ở. Con cái lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái giờ không biết sống ở mô. Dân chúng tôi cực đắng lắm rồi.

Tình cảnh của những hộ dân tại khu dân cư An Hải 1 (phường Hòa Quý) cũng là tình cảnh chung của hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng quy hoạch Làng ĐH Đà Nẵng. Cuộc sống người dân tại các khu vực này vốn đã nghèo khó, cùng với những bất cập, khó khăn từ dự án treo gần 22 năm nay khiến cho đời sống của người dân rơi vào tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.

Theo ông Huỳnh Kim - Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, hiện nay, tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có gần 900 hộ nằm trong khu quy hoạch dự án Làng ĐH Đà Nẵng. Những khó khăn mà người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án Làng ĐH Đà Nẵng phải gánh chịu trong thời gian qua là điều kiện sinh sống bị hạn chế, nhà cửa xuống cấp, hạ tầng điện nước hư hỏng, điều kiện đi lại học tập của con em khó khăn… Dự án treo kéo dài khiến cho công tác quản lý Nhà nước tại các khu dân cư cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

“Cũng như tâm trạng và nguyện vọng của người dân, lãnh đạo chính quyền chúng tôi rất mong Chính phủ, cùng các bộ, ngành, đơn vị sớm thực hiện dự án Làng ĐH Đà Nẵng để người dân được ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế”, ông Huỳnh Kim bày tỏ.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997, với số vốn trên 7.000 tỉ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích 300 ha, trong đó, 190 ha thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Tuy nhiên, do thiếu hụt vốn và thay đổi quy hoạch phát triển nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai xây dựng dự án. Sau gần 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản, gồm Trường CĐ Công nghệ Thông tin, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Đà Nẵng). Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là do dự án có quy mô lớn, nguồn vốn lớn, lại liên quan đến địa giới 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng thời liên quan nhiều bộ, ngành nên thủ tục phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và điều chỉnh lại quy hoạch dự án.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 227/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000, quy mô khoảng 286,5 ha, gồm 96,5 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và 190 ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Về quy mô đào tạo và các khu chức năng, Quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 SV và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ…

Quyết định cũng nêu rõ, quy hoạch ĐH Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0… Các phương án bố trí khu học tập và cơ sở nghiên cứu theo hướng mở, đảm bảo việc sử dụng cơ sở vật chất một cách hiệu quả và có thể sử dụng chung lẫn nhau giữa các trường. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước và quảng trường tạo hình ảnh đặc trưng cho từng khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ