Đổi xe cũ lấy xe mới - có phải thuốc "đặc trị"

GD&TĐ - Khoảng 5.000 chiếc xe máy cũ đang được Hà Nội đề xuất đổi mới với mức hỗ trợ tới 4 triệu đồng/xe. Giải pháp này kỳ vọng phần nào giúp giảm được ô nhiễm không khí Hà Nội. Một số chuyên gia cho rằng, đây không phải giải “đặc trị”.

Với đặc thù về giao thông, xe máy vẫn là phương tiện được người dân sử dụng nhiều nhất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Với đặc thù về giao thông, xe máy vẫn là phương tiện được người dân sử dụng nhiều nhất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Ô nhiễm không khí từ… xe máy

Trước thông tin về chương trình hỗ trợ người dân từ 2 - 4 triệu đồng để đổi xe máy quá niên hạn sử dụng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội - Mai Trọng Thái - cho biết: “Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô”.

Do đó, để từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát, ngày 11/8/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Báo cáo số 7008/BC-STNMT-CCBVMT trình UBND thành phố về việc chấp thuận triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để phục vụ cho việc đo khí thải trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Sở dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ với các cơ chế hỗ trợ khác nhau. Theo đó, khi người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300 nghìn đồng (dự kiến thí điểm 5.000 xe máy). Còn người dân muốn đổi xe máy, dự kiến được hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng...

Về vấn đề kinh phí thực hiện chương trình, ông Thái cho biết, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe.... Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020 tại nhiệm vụ:

Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố...

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, xe máy đang là phương tiện giao thông chủ yếu tại Việt Nam, chiếm khoảng trên 80%. Riêng TP Hà Nội hiện có khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000, chiếm trên 40%. Ngoài ra, một số lượng đông đảo xe máy ngoại tỉnh thường tham gia giao thông.

Thông tin từ tọa đàm “Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam”  tổ chức tại TPHCM vào ngày 19/4/2019 cho biết, lượng xe máy là 8,1 chiếc, trong đó cũng có xấp xỉ 40% là xe máy trên 20 năm tuổi.

Khí thải từ các phương tiện giao thông mà chủ yếu là xe máy chứa rất nhiều loại khí độc hại như CO, HC, Nox… ảnh hưởng đến chất lượng không khí và là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

Kết quả nghiên cứu về phát thải từng nguồn gây ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM) được công bố năm 2019 cho thấy, khí thải từ xe máy phát thải 29% Nox; 65,4% NMVOC; 90% khí CO và 37,7% bụi.

Cần một giải pháp tổng thể

Trước sự quan tâm của dư luận, nhiều chuyên gia cho rằng chương trình đây chỉ là giải pháp “tạm thời”, không giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải có thuốc “đặc trị”.  GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, nếu được thực hiện, đây sẽ là chủ trương tốt hướng tới việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, cụ thể là xe máy cũ.

“Hiện nay, đa số những người sử dụng xe máy cũ để đi lại, chuyên chở là những người có thu nhập thấp. Chương trình này này không chỉ hướng đến việc cải thiện môi trường mà còn hướng sự ưu tiên đến một số đối tượng cần được quan tâm trong xã hội…”, GS.TS Sùa bày tỏ.

Tuy nhiên, so với số lượng gần 6 triệu xe máy hàng ngày xả thải ra không khí thì số lượng xe được đưa vào chương trình thực sự là “không thấm vào đâu”.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc đổi xe máy sang xe máy về bản chất vẫn là sử dụng động cơ đốt trong, cùng một tác nhân xả thải ra không khí. Những chiếc xe theo thời gian cũ đi sẽ vẫn có hại cho môi trường, do đó, cần tính toán dài hơi hơn.

“Thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, thành phố có thể chỉ đạo các đơn vị tổ chức ưu tiên đổi sang những dòng xe thân thiện với môi trường hơn như xe điện”, GS.TS Từ Sỹ Sùa gợi ý.

Đồng tình với việc cần có giải pháp dài hơi, chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 8/9, TS Vũ Văn Doanh – Trưởng bộ môn Quản lý môi trường – Trường Đại học Tài nguyên Môi trường nhận định, việc ùn tắc giao thông tại các ngã tư, ngã ba gây tiêu hao nhiên liệu và khí thải hơn là sử dụng phương tiện cũ. Phương tiện không chạy đúng công suất thì động cơ đốt không triệt để, tạo ra khí thải nhiều hơn.

“Động cơ càng mới, càng hiện đại thì càng hiệu quả, phát thải ít. Phương tiện cũ thì sẽ gây phát thải nhiều hơn, nhưng không phải là gốc của vấn đề” – TS Doanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ