Đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ GTVT: Có cứu được “xương sống” của đất nước

Đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ GTVT: Có cứu được “xương sống” của đất nước

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1128/VPCP-CN gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNNTDN) liên quan đến việc điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCTĐSVN).

Như vậy, chưa đầy 2 năm chuyển giao phần vốn Nhà nước về Ủy ban QLVNNTDN, phương án chuyển TCTĐSVN về lại Bộ GTVT lại được đưa ra xem xét. Nếu phương án điều chuyển được phê duyệt liệu có giải quyết được những bất cập đang tồn tại trong điều hành, quản lý?

Đánh giá toàn diện đề xuất

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển TCTĐSVN từ Ủy ban QLVNNTDN về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành.

“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban QLVNNTDN đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020”, nội dung Công văn số 1128 nêu rõ.

Trước đây, TCTĐSVN là một trong 5 tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, được tiến hành chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban QLVNNTDN từ tháng 11/2018.

Đây là doanh nghiệp có nhiều nét đặc thù khi vừa tiến hành các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường sắt, vừa được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. TCTĐSVN cũng thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia trên cơ sở được Nhà nước giao dự toán chi ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt và việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban QLVNNTDN, hoạt động của TCTĐSVN gặp nhiều khó khăn khi không tiếp tục được giao dự toán thu chi ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cùng với đó, cơ chế giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa rõ ràng, không được tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt sử dụng vốn đầu tư công… cũng là những bất cập cần tháo gỡ.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của TCTĐSVN, Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNNTDN Nguyễn Thị Phú Hà cũng thừa nhận những khó khăn nội tại của ngành đường sắt và nhiều vướng mắc về cơ chế chưa được tháo gỡ khiến kết quả kinh doanh vẫn đạt thấp.

Ủy ban QLVNNTDN đã phối hợp để thúc đẩy nhưng thời gian tiếp cận còn ngắn, chuyên môn nghiệp vụ chưa chuyên sâu nên vẫn chưa thể có tác động tích cực hơn đối với TCTĐSVN.

Có giải quyết được bất cập?

Chủ tịch Hội đồng thành viên TCTĐSVN Vũ Anh Minh cho biết, hiện nay toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu và các nhà ga đang giao cho TCTĐSVN trực tiếp quản lý sử dụng, khai thác.

Tuy nhiên, việc bảo trì, đầu tư phát triển khối tài sản này đều do ngân sách chi trả. Điều này có nghĩa, TCTĐSVN chỉ có quyền định đoạt đối với các đoàn tàu, trong khi việc cải tạo, nâng cấp bất kỳ kết cấu hạ tầng nào khác đều phải được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nói như thế có nghĩa là TCTĐSVN không được phép dùng tiền của doanh nghiệp để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa tài sản đó phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu có sử dụng thì cũng không được hạch toán.

“Chúng tôi đã có kiến nghị với Ủy ban QLVNNTDN và Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao phần tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng, nhà cung cầu, cung đường và toàn bộ tuyến Đà Lạt - Trại Mát giao cho TCTĐSVN theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Khi đó, chúng tôi có thể chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải sẽ có các chức năng thương mại khác như: Siêu thị, cho thuê văn phòng... Như vậy, chất lượng hạ tầng và nhà ga, kho bãi đều sẽ tăng đều cả với hàng hoá và hành khách”, ông Minh cho hay.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng chia sẻ, đường sắt là một loại hình phương tiện vận tải rất quan trọng đối với nền kinh tế, được xem như trục “xương sống” chạy dọc đất nước. Phát triển đường sắt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng.

Nhà nước phải là nhà đầu tư quan trọng nhất trong việc phát triển hạ tầng đường sắt. Các dịch vụ khác như nhà ga, các hệ thống thông tin tín hiệu… có thể xã hội hóa được. Bài toán đặt ra làm sao chia sẻ, phân bổ một cách phù hợp. Về mặt lâu dài, ngành đường sắt phải tính đến những phương án là dựa vào giá trị kinh doanh cốt lõi của mình, đó chính là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.

Gần 2 năm chuyển giao phần vốn Nhà nước về Ủy ban QLVNNTDN, những bất cập nảy sinh trong hoạt động quản lý, điều hành TCTĐSVN đã được nhìn nhận, đánh giá. Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện những ưu, nhược điểm của đề xuất để có phương án sắp xếp hợp lý được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt.

Tháng 6/2019, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng về phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trong đó có phương án chuyển TCTĐSVN về bộ này. Bởi nếu Bộ GTVT là cơ quan giao dự toán ngân sách cho TCTĐSVN thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sẽ trái Luật Ngân sách Nhà nước. Luật quy định Bộ GTVT chỉ được giao dự toán cho đơn vị trực thuộc.
Trong khi đó, Ủy ban QLVNNTDN không thể giao dự toán cho TCTĐSVN vì theo quy định của Luật Đường sắt và các nghị định liên quan, Bộ GTVT có thẩm quyền giao dự toán ngân sách cho đơn vị được giao quản lý tài sản. Còn Ủy ban QLVNNTDN chỉ quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Việc chuyển đổi để Bộ GTVT là đơn vị dự toán cấp 1 của TCTĐSVN để tránh phải sửa các luật, nghị định liên quan đã có hiệu lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.