Đẩy mạnh mô hình 9+ và đào tạo trực tuyến

GD&TĐ - Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2019 là tập trung nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế... Nhân dịp đầu Xuân, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) về những vấn đề này.

Hình ảnh giáo dục nghề nghiệp đang ngày một hấp dẫn hơn đối với giới trẻ
Hình ảnh giáo dục nghề nghiệp đang ngày một hấp dẫn hơn đối với giới trẻ

- Năm 2019, GDNN tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH. Ngành sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?

- Để đạt được các mục tiêu GDNN trong năm 2019, chúng tôi đã xác định các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật GDNN theo quy định, xây dựng Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030; tham gia xây dựng Luật GD (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh mô hình đào tạo phân luồng 9+ (cao đẳng và trung cấp) và liên thông các trình độ.

Tiếp tục xây dựng các chuẩn đầu ra, chuẩn nhà giáo; chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về GDNN, đào tạo trực tuyến, cấp chứng chỉ và quản lý văn bằng trực tuyến; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên, đánh giá cấp thẻ kiểm định viên; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; tập huấn, bồi dưỡng về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở GDNN.

Năm 2019, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp gắn kết đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động; đào tạo lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước.

Đẩy mạnh và khuyến khích các cơ sở GDNN đổi mới cơ chế hoạt động, tiến tới tự chủ chi thường xuyên. Nghiên cứu tổ chức đấu thầu, đặt hàng đào tạo từ ngân sách Nhà nước đối với những ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; những ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa; Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN công lập, bảo đảm hiệu quả hoạt động sau sắp xếp.

- Tuyển sinh là một giải pháp sống còn đối với GDNN, vậy theo ông cần thúc đẩy những giải pháp nào để thu hút các em HS vào học nghề?

- Giúp định hướng cho các em HS lựa chọn học nghề, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho các em HS mà còn góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp để người học và xã hội thấy rằng, vào đại học không phải con đường duy nhất, mà còn có những con đường ngắn hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Có thể nói, kết quả tuyển sinh năm 2018 và đặc biệt là số lượng HS tốt nghiệp THCS đăng ký vào học trình độ trung cấp trong năm qua đã cho thấy hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền cũng như sự phù hợp của các chế độ, chính sách đối với người học nghề.

  • Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh trả lời phỏng vấn báo chí

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Quyết địnhsố 522/QĐ-TTg ngày 14/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân HS trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025. Đồng thời tiếp tục đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người học tham gia học nghề; duy trì và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, từ đó thu hút người học đến với GDNN.

- Gắn kết GDNN với doanh nghiệp là một giải pháp trọng tâm được ngành đặc biệt chú trọng đẩy mạnh, ông có thể cho biết về những kết quả đã đạt được, cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục?

- Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo là một mắt xích quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDNN, đảm bảo an sinh xã hội và việc làm bền vững. Năm 2018, GDNN đã cùng doanh nghiệp xây dựng được 160 chuẩn đầu ra cho các ngành nghề trình độ cao đẳng, trung cấp; xây dựng 22 định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời cho 22 ngành nghề được chuyển giao từ Australia đào tạo thí điểm. Hàng nghìn HS, SV được thực hành, thực tập trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cung cấp nhiều giảng viên cho cơ sở GDNN; Nhiều cơ sở hợp tác với doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình bằng việc công bố chất lượng đào tạo, cam kết việc làm sau khi ra trường với HS, SV...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với công tác đào tạo nghề nghiệp (ước khoảng trên 60%) với những lý do: Cơ sở GDNN còn thiếu năng động, không kết nối được với doanh nghiệp, thiếu thông tin về thị trường lao động; Quyền lợi cho doanh nghiệp khi tham gia quá trình đào tạo nghề nghiệp chưa rõ ràng hoặc không tương xứng với việc đầu tư, hợp tác đào tạo; Doanh nghiệp đòi hỏi năng lực làm việc thực tế của sinh viên thực tập cũng như cần sự kết nối lâu dài từ các chương trình cụ thể. Trong khi đó chương trình đào tạo hiện hành không cho phép các trường gửi SV đi thực tập quá lâu...

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trên, trong năm 2019 ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp, coi đây là sự sống còn của GDNN. Hoàn thiện chính sách, cơ chế gắn kết GDNN với doanh nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo. Tạo việc làm, an sinh xã hội phát triển bền vững bằng việc tăng cường sự liên kết “ba nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...