Đào tạo nghệ thuật bị “cắt đứt mạch máu”

Đào tạo nghệ thuật bị “cắt đứt mạch máu”

Đây là lĩnh vực đào tạo đặc biệt và đã thể hiện những bất cập trong thời gian qua.

Đánh đồng hàn xì với âm nhạc

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐ,TB&XH đã có văn bản gửi các trường như Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… với nội dung đề nghị các trường này không tiếp tục tuyển sinh hệ trung cấp.

Ngay lập tức, nhiều trường nghệ thuật phản ứng. Họ đề nghị được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp như trước đây. Đề nghị tách hệ trung cấp khỏi Bộ LĐ,TB&XH để trở về mô hình cũ.

Lý do được đưa ra là do cách hiểu sai về hệ trung cấp nghệ thuật. Bộ LĐ, TB&XH đánh đồng trung cấp nghệ thuật giống như nghề phổ thông khác có thời gian đào tạo ngắn.

Ông Nguyễn Huy Phương, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giải thích rằng, hệ trung cấp của trường thời gian đào tạo rất dài – từ 6 – 9 năm. Quá trình tuyển chọn học viên trung cấp cũng khắt khe, nghiêm ngặt. Trước khi thi đầu vào, thí sinh phải học, rèn luyện âm nhạc từ nhỏ. Đến 9 tuổi khi thi tuyển vào Học viện thì gần như kỹ thuật đã phải đạt đến mức điêu luyện.

Sau khi trúng tuyển vào hệ trung cấp của Học viện, người học phải trải qua thời gian đào tạo đến 9 năm với chương trình rất bài bản và chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện là cái nôi đào tạo ra giới tinh hoa âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Kết thúc giai đoạn 9 năm trung cấp, học viên tiếp tục được tuyển chọn vào hệ đại học của Học viện. Như vậy, đào tạo hệ trung cấp chính là luồng tuyển chọn đầu vào cho hệ đại học.

Nếu so với các lĩnh vực, ngành nghề khác như lái xe, hàn xì, may mặc… thì những ngành đó chỉ cần đào tạo thời gian rất ngắn. Trong khi âm nhạc là lĩnh vực khác biệt, thời gian đào tạo rất dài. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có chính sách phù hợp để các ngành đặc thù không bị thiệt hại.

Tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" cũng bủa vây Học viện Múa Việt Nam. Học viện này mới được đào tạo hệ đại học từ năm 2019 khi Trường Cao đẳng Múa Việt Nam trở thành học viện.

Như vậy, từ trước đến nay, đào tạo trung cấp là thế mạnh của Học viện Múa Việt Nam. Vì 2019 trường mới lên học viện nên cuối 2019 hoặc 2020 mới bắt đầu đăng ký đào tạo đại học. Nếu theo quy định của Bộ LĐ,TB&XH, không được đào tạo hệ Trung cấp chẳng khác nào "cắt đứt mạch máu" nhà trường. Hệ đại học thì chưa đăng ký, hệ trung cấp thì bị cắt. Như vậy, hàng trăm cán bộ, giáo viên bỗng chốc không có việc làm.

Việc Học viện Múa Việt Nam không được đào tạo hệ trung cấp cũng khiến nguồn đầu vào đại học (mang tính đặc thù) của trường sau này gặp nhiều vấn đề, do chất lượng sinh viên không đồng đều.

Ngoài hai học viện kể trên, thì hệ trung cấp của một số lĩnh vực như kiến trúc, hội họa… cũng có đặc thù riêng và thời gian đào tạo dài hơn rất nhiều so với hệ trung cấp nghề phổ thông. Chẳng hạn như hệ trung cấp của Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật… cũng có thời gian đào tạo hệ trung cấp kéo dài đến 4 năm.

Cần xét yếu tố đặc thù

Căn cứ Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản yêu cầu các trường đại học, học viện không được đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng. Điều này khiến cho nhiều trường nghệ thuật hoang mang và đã có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét để tiếp tục được đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng như trước đây.

Theo ông Nguyễn Huy Phương, đầu vào hệ đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vốn theo hệ thống, tiêu chuẩn riêng. Nếu không được đào tạo hệ trung cấp thì trường sẽ mất nguồn đầu vào chất lượng. Xin nhắc lại là nguồn đầu vào của học viện phải chọn từ lúc học viên còn nhỏ, trải qua rèn luyện mới đạt tiêu chuẩn vào hệ đại học. Nếu tuyển đầu vào tự do như các ngành khác thì chất lượng sinh viên hệ đại học sẽ không tốt.

Ông Phương cho rằng, số lượng sinh viên hệ đại học hiện nay của trường chỉ 350 người – con số rất ít so với các trường khác. Đây được coi là số "gà nòi" và tất cả được tuyển từ hệ trung cấp của trường.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT , Bộ VH,TT&DL… cần phải xem xét đến trường hợp đặc biệt của hệ trung cấp nghệ thuật. Tốt nhất là để các trường tự tuyển đào tạo hệ trung cấp để tuyển chọn đầu vào đại học như trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ