Đại biểu Quốc hội: Tăng lương thì đồng tiền sẽ mất giá, không có nhiều ý nghĩa

Thông tin Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng trong năm 2021 đang nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy các ĐBQH có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Chính phủ đề xuất chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế xã hội, ngân sách chưa đủ thu nên cần cân đối lại nguồn.

Là vị ĐBQH từng rất nhiều lần đề nghị Chính phủ phải đảm bảo lộ trình tăng lương song lần này, ông Lợi nhấn mạnh, tăng lương trong lúc nền kinh tế, ngân sách khó khăn như hiện nay thì trượt giá sẽ nâng lên, tức đồng tiền mất giá.

“Do vậy, việc tăng lương là chưa thực sự cần thiết vào lúc này. Vào thời điểm thích hợp khi chúng ta cân đối được ngân sách thì việc tăng lương có ý nghĩa hơn nhiều” – ĐB Bùi Sỹ Lợi nói, đồng thời nhắc lại: Tăng lương nhưng phải giữ giá, tăng lương mà để cho trượt giá thì đời sống của người hưởng lương cũng không được cải thiện hơn.

Đại biểu Quốc hội: Lúc này mà tăng lương thì đồng tiền sẽ mất giá, không có nhiều ý nghĩa ảnh 2

ĐBQH Đỗ Văn Sinh

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng vào năm 2021 là hoàn toàn có thể hiểu được.

Vậy hoãn tăng lương đến bao giờ? ĐB Đỗ Văn Sinh đưa ra hai tình huống:

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi nhanh, lộ trình tăng lương sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam và thế giới. “Nếu sớm có vaccine phòng Covid-19, dập được dịch, nền kinh tế tăng trưởng thì có thể tăng lương sớm hơn vì tăng lương cũng chính là kích cầu” – ông Sinh phân tích.

Thứ hai, trong trường hợp dịch kéo dài thì đành phải “thắt lưng buộc bụng” vì nguồn thu ngân sách tiếp tục khó khăn, các khoản chi cũng cần tăng, đặc biệt chi cho an sinh và phục hồi phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, lúc này ngân sách nhà nước rất khó khăn nên không có đủ nguồn chi tăng lương. Vì thế, chúng ta nên chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ với nhà nước.

"Về giải pháp, nếu in thêm tiền thì đó là một dạng lạm phát. Khi đó đồng tiền không phản ánh đúng giá trị, không đúng thực chất. Do đó chúng ta phải chọn cách an toàn nhất, đó là khi nguồn lực có hạn thì phải bảo toàn nguồn lực" - ông Vân phân tích.

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của các uỷ viên trong Ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu trong năm 2021.

Theo anninhthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ