Chuỗi cửa hàng Seven.AM đóng cửa: Cắt mác vì khách hàng… kêu ngứa

GD&TĐ - Lực lượng Quản lý Thị trường vừa kiểm tra và thu giữ hơn 9.000 sản phẩm của chuỗi cửa hàng Seven.AM do không làm rõ được nguồn gốc xuất xứ. Chuỗi cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội cũng đồng loạt đóng cửa, dừng hoạt động.

Chuỗi cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội đóng cửa ngừng hoạt động ngay sau khi bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra
Chuỗi cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội đóng cửa ngừng hoạt động ngay sau khi bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra

Nguồn gốc xuất xứ xin… xuất trình sau

Ngày 11/11, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM tại Hà Nội. Qua kiểm tra, hàng hóa tại các cơ sở này là 9.035 sản phẩm gồm: 5.445 đầm, 409 chân váy, 1.902 áo khoác, 838 chiếc áo, 279 quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Kiểm tra ghi nhận toàn bộ sản phẩm đều có tem của Seven.Am, xuất xứ Made in Vietnam, gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất. Chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là “Công ty cổ phần MHA thời trang Seven.AM”.

Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng chỉ xuất trình Đăng ký nhãn hiệu Seven.AM còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy số 14518064. Toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin “sẽ xuất trình sau”.

Ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty cổ phần MHA khẳng định: “Toàn bộ sản phẩm của Seven.AM đều được sản xuất trong nước”.

Quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ; Lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Thiếu minh bạch do... nhân viên

Trước nghi vấn Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác, bán ra thị trường, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng Giám đốc xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn. Việc nhân viên cắt mác vì “khách hàng kêu ngứa”. Những chỗ khác ví dụ như sườn các sản phẩm áo, quần thì vẫn còn mác. Ông Hải Anh thừa nhận sai sót và cho biết lỗi cắt mác hay gắn thẻ Seven.AM là do nhân viên kho.

Theo ông Hải Anh, hầu hết các mẫu sản phẩm may mặc đều được thiết kế, gia công trong nước và được may tem mác Seven.AM ghi rõ xuất xứ “Made in Vietnam”. Công ty Cổ phần MHA có đặt mua hàng theo mẫu của Seven.AM từ Trung Quốc một số loại phụ kiện như túi, ví...

Ngoài ra, do nhu cầu về trang phục thu - đông của khách hàng có xu hướng gia tăng, Seven.AM cũng đã nhập thêm một số lượng nhỏ sản phẩm áo len, áo dạ và khăn. Ông chủ Seven.AM thừa nhận sai sót trong khâu quản lý. Nhà cung cấp không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, dẫn tới việc khi tới tay người tiêu dùng chưa thực sự được minh bạch về nguồn gốc xuất xứ.

Giải thích thêm về nguồn gốc hàng hoá cung cấp cho khách hàng, diễn viên Hải Anh khẳng định, những sản phẩm nào không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Các nhân viên ở cửa hàng cũng phải nói rõ đây là hàng Trung Quốc.

“Tuy nhiên, đặc thù của bán hàng thời trang may mặc là thời gian làm ngắn hạn nên các cửa hàng cũng thay đổi nhân viên liên tục dẫn đến tình trạng những người mới chưa được đào tạo bài bản cách giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho khách hàng” - ông chủ Seven.AM giải thích.

Cắt mác hiển nhiên là gian lận thương mại

Tem gắn trên sản phẩm của Seven.AM tại thời điểm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra

Trước lý giải “cắt mác vì khách kêu ngứa” của ông Hải Anh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là nguỵ biện. Việc cắt mác là cấm kỵ trong kinh doanh.

Chuyên gia nghiên cứu về thị trường bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, cách giải thích của Seven.AM là khó chấp nhận. “Việc Seven.AM giải thích cắt mác do khách hàng kêu bị ngứa là bao biện, ngụy biện. Hành vi này sau khi xác minh, có đầy đủ chứng cứ phải nghiêm trị” - ông Vũ Vinh Phú nói.

Về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng Việt Nam đang có tiếng vang thương hiệu tốt. Trong khi đó, hàng nhập khẩu Trung Quốc lại đang có dấu hiệu sa sút nên các doanh nghiệp bất chấp để hưởng lợi.

Cùng quan điểm trên, Thạc sỹ kinh tế Lê Đức Hoàng giải thích nhãn mác là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý sản phẩm. “Việc cắt mác sản phẩm mặc nhiên là gian lận thương mại” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Phạm Bá Dục - Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu gay gắt hơn khi cho rằng, việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác “made in Vietnam” là cố tình gian dối trong kinh doanh. Có thể bị khởi tố theo luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.

Theo ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Seven.AM không có xưởng may mặc riêng. Tuy nhiên, có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh (địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội).

Toàn bộ sản phẩm được Seven.AM thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về. Trong 5 cửa hàng được kiểm tra trong sáng 11/11 cũng chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm.

Toàn bộ cả 5 cửa hàng của chuỗi Seven.AM đều có dấu hiệu gian lận thương mại, trong đó, cơ sở tại Nguyễn Văn Cừ Long Biên bị thu giữ 1.026 sản phẩm; Cơ sở tại Tôn Đức Thắng bị thu giữ 2.540 sản phẩm; Cơ sở tại Thái Hà bị thu giữ 3.698 sản phẩm; Cơ sở tại Trần Phú (Hà Đông) bị thu giữ 922 sản phẩm và cơ sở tại Kim Đồng thu giữ 676 sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ