Chủ động khống chế chỉ số giá tiêu dùng

GD&TĐ - Còn hơn một tháng nữa là hết năm 2016. Vấn đề đặt ra lúc này là diễn biến thị trường sẽ ra sao, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng bao nhiêu? Những dự báo tiếp tục được các chuyên gia đưa ra, liệu chỉ số giá tiêu dùng có đạt được mục tiêu như mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra?

Chủ động khống chế chỉ số giá tiêu dùng

Nỗi lo tăng giá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, CPI đang tiến sát ngưỡng “không quá 5%” theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Nói cách khác, đây là thời điểm nhạy cảm, lúc quyết định tổng mức tăng của cả năm, từ đó thực tế đang đòi hỏi những hoạt động điều hành nhằm kiểm soát hiệu quả CPI cả năm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mức tăng hơn 4% như trên là kết quả quá trình vận động của thị trường từ đầu năm đến nay, nhất là việc CPI tăng cao trong tháng 10 vừa qua. Đã xuất hiện một số lo ngại, thông qua câu hỏi là làm gì để “khống chế” CPI chỉ tăng ở mức dưới 0,5%/tháng trong 2 tháng còn lại của năm 2016. Ngược lại, nếu CPI rơi vào tình trạng vượt cao hơn chỉ tiêu là 5% sẽ tạo ra sự bất ổn về kinh tế vĩ mô. Xét từ các chỉ số thành phần quan trọng của CPI thì thấy, các nhóm giao thông, thực phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục sẽ cho ra “kịch bản” tổng thể.

Trước hết, nhóm giao thông luôn phụ thuộc yếu tố “đầu vào” là xăng dầu trong khi 2/3 nhu cầu tiêu dùng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng sẽ kéo theo giá nhóm giao thông tăng. Đây là tác động dây chuyền rất khó điều chỉnh, can thiệp, bởi nó là yếu tố bất khả kháng.

Tiếp đến, nhóm thực phẩm cũng là “ẩn số”, khó dự báo trước và đứng trước khả năng tăng giá từ dịp Tết Dương lịch là điều khó tránh khỏi. Bởi nếu diễn biến thời tiết thuận lợi thì sản lượng, nguồn cung cấp các loại thuỷ sản, gia cầm và rau quả có thể giữ mức giá ổn định, nhưng ngược lại sẽ rất khó để đoán trước.

Riêng một số nhóm hàng dự báo sẽ ổn định giá, hoặc chỉ tăng rất thấp và không đáng lo ngại như bưu chính - viễn thông, thiết bị và đồ dùng gia đình..., bởi nhu cầu tiêu dùng đã bão hoà trong khi hàng hoá lại rất phong phú, giá cả cạnh tranh...

Cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành

Thực tế cho thấy, nhu cầu và sức mua của toàn xã hội trong dịp cuối năm thường tăng nhiều so với các tháng khác của năm, điều này chắc chắn sẽ đẩy CPI tăng lên mạnh mẽ. Do đó, ngành Công Thương cần tập trung làm tốt công tác điều tiết, khơi thông nguồn hàng... Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự lành mạnh, tạo điều kiện tốt cho lưu thông, phân phối hàng hoá, phòng chống nạn buôn lậu, hàng giả hoặc tình trạng khan hàng cục bộ. Nếu quan hệ cung - cầu được cân bằng chắc chắn sẽ giữ được sự ổn định giá trên thị trường.

Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát sao tình hình, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn cũng như không tăng giá điện, áp dụng mức phí các trạm thu phí giao thông của dự án BOT một cách hợp lý, kết hợp với việc kiểm soát chặt giá dịch vụ y tế...

Theo các chuyên gia kinh tế, kiềm chế lạm phát là vấn đề quan trọng, phức tạp. Vì vậy, cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Bởi quý IV nói chung, 2 tháng cuối năm nói riêng vẫn tiềm ẩn một số yếu tố khác lạ, xuất phát từ thị trường quốc tế và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến CPI.

Do đó, cần sự chủ động tham gia, làm tốt công tác quản lý thị trường để “khống chế” CPI đạt hiệu quả. Mặt khác, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng cần thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng trong bình ổn giá, có kế hoạch thu mua, tồn trữ hàng hoá để tham gia chương trình bình ổn giá của Nhà nước.

Hơn nữa, các siêu thị cần xác định tinh thần sẵn sàng hợp tác với các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm “đầu vào” để hài hoà quan hệ giữa nhà sản xuất và phân phối; không dồn ép nhà cung cấp cũng như tự giác giảm tỷ lệ lợi nhuận tính trên đầu sản phẩm khi đưa hàng vào siêu thị...

Các đơn vị tham gia vào chuỗi hoạt động thương mại cần giảm bớt chi phí theo chuỗi do có nhiều đầu mối trung gian tham gia vào quá trình vận chuyển, phân phối hàng hoá để giảm giá thành sản phẩm đầu cuối đến người tiêu dùng. Các chuyên gia nhận định, CPI cả năm có thể được “khống chế” trong mức đề ra (không quá 5%), với điều kiện không xuất hiện thêm thiên tai, lũ lụt, đồng thời Chính phủ, cơ quan quản lý địa phương làm tốt công tác điều hành...

Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hướng kiểm soát lạm phát và chủ động với chỉ tiêu này. Các mặt hàng có sự quản lý của Nhà nước đều được kiểm soát và đưa ra phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, còn đó nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI những tháng cuối năm không thể xem nhẹ, đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm. Ngoài ra, áp lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP là một trong các yếu tố có thể tác động tới CPI trong 2 tháng còn lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.