Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra 4 giải pháp cụ thể để phòng chống dịch COVID-19

GD&TĐ - Để phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra 4 giải pháp cụ thể, đồng thời đánh giá các địa phương đang rất tự tin trong kiểm soát dịch bệnh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: SKĐS
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: SKĐS

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, qua 3 đợt dịch COVID-19, chúng ta đều nhận thấy đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng đánh giá các địa phương đang rất tự tin trong kiểm soát dịch bệnh, những ca mắc mới gần đây chủ yếu phát hiện trong các khu cách ly, khu vực giãn cách, phong tỏa.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vì vậy khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng với các địa phương đang trong tầm kiểm soát.

Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay, hiện đã có 528 trường hợp tại 26 tỉnh, thành phố. Điểm đáng chú ý của đợt dịch lần này là dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời cùng lúc ở nhiều địa phương khác nhau.

Đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chúng ta thực hiện quản lý chưa nghiêm;

Thứ hai là trong cộng đồng cũng có các trường hợp lây nhiễm, rồi từ đó lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây ra cộng đồng;

Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh.

Thực tế này đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương. Đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương cho thấy, các địa phương đang rất tự tin trong kiểm soát dịch bệnh. Vì các ca mắc trong những ngày gần đây chủ yếu là trong các khu cách ly, khu vực đã được giãn cách, phong tỏa. Vì vậy khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng tại các địa phương đang trong tầm kiểm soát.

Với sự xuất hiện của biến chủng kép, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày thay vì 14 ngày như trước và tăng số lần xét nghiệm. 

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh chưa có ca lây nhiễm cộng đồng phải nâng báo động thêm một mức, phải coi như địa phương đã có dịch để triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Sau khi xuất hiện ổ dịch tại các bệnh viện, tất cả cơ sở cơ sở y tế được yêu cầu triển khai biện pháp chống dịch hơn một mức, phải xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, tăng cường xét nghiệm một số khu vực có nguy cơ cao như khoa hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, chỉ cho chuyển tuyến đối với các bệnh nhân khi có kết quả âm tính. Khi chuyển tuyến phải có báo cáo về chính quyền địa phương nơi đón tiếp bệnh nhân để giám sát tại nhà để khi có tình huống xảy ra, chúng ta kịp thời khoanh vùng cách ly ngay.

Những giải pháp cụ thể để phòng chống dịch

Theo người đứng đầu ngành y, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao; liên tục chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; liên tục có báo cáo đánh giá, nhận định tình hình, từ đó đề xuất và đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng chống dịch.

Biện pháp đầu tiên là huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, huy động mọi người dân đồng lòng, tích cực tham gia phòng chống dịch;

Thứ hai là triển khai tất cả các biện pháp theo nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, dập dịch một cách hiệu quả,  phải hành động mau lẹ, triển khai quyết liệt mọi biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

Thứ ba là triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật: Từ xét nghiệm đến điều trị;

Thứ tư là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống dịch và công tác truyền thông để người dân hiểu, hỗ trợ và hợp tác chống dịch hiệu quả.

Tại thời điểm hiện nay, chúng ta chuyển trạng thái từ chủ động sang chủ động tấn công, tức là trước đây chúng ta tập trung vào truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này chúng ta triển khai tầm soát xét nghiệm trên diện rộng. Bộ Y tế đã có hướng dẫn tăng cường công tác xét nghiệm, chủ động phát hiện sớm đối với tất cả nhóm người có nguy cơ cao.

Ngoài ra, Việt Nam chủ động xây dựng các kịch bản, lên phương án về điều trị, rà soát cơ sở vật chất, con người để đảm bảo không bị động trong mọi tình huống.

Với mục tiêu vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch nên chúng ta triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch trong một trạng thái bình thường mới, vừa sản xuất kinh doanh nhưng không lơ là, mất cảnh giác để dịch xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.