Bà Rịa- Vũng Tàu đề ra nhiệm vụ cụ thể phòng chống bạo lực học đường

Văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo
Văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo

Theo đó, văn bản 661 của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở chỉ đạo, thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

1. Tổ chức họp Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục quán triệt đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên về tình trạng bạo lực trong trường học và vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong đó đặc biệt chú trọng một số quy định theo quy định của pháp luật và của ngành GDĐT, như sau: 1.1. Hiến pháp 2013, Điều 20 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” 1.2. Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Ðiều 33, Điều 34 có quy định về Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể và Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín….

Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu gửi Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT
 Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu gửi Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT

2. Có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường. Ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học đường diễn ra giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh bằng nhiều hình thức. Tuyên truyền trong cuộc họp, niêm yết các văn bản để mọi giáo viên, nhân viên đọc và nắm được để thực hiện.

3. Tăng cường xây dựng văn hóa lành mạnh trong nhà trường, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học; lãnh đạo nhà trường thường xuyên tiếp xúc, làm việc với ban cán sự lớp để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên. Đặc biệt yêu cầu giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm khoản 1, Điều 35, thông tư Số: 12/2011/TT-BGDĐT, ngày 28 tháng 3 năm 2011 v/v Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT: không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp..

4. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo từng tháng, từng học kỳ và năm học về phòng chống bạo lực học đường để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”. Qua đó, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục; Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục. Rà soát, kiểm tra, giám sát và xử lý về bạo lực học đường theo quy định hiện hành.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức, xã hội - đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường và vi phạm đạo đức nhà giáo.

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở chỉ đạo, triển khai, thực hiện.

Trước đó cùng ngày 2/4, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã có báo cáo (số 61/BC-SGDĐT) về vụ việc xảy ra tại trường THCS Long Toàn, TP Bà Rịa gửi Cục Nhà giáo- Bộ GD&ĐT báo cáo vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ