“Biến” lá tre thành... tiền

Chị Đặng Thị Triệu (bên trái) chủ cơ sở kinh doanh lá tre xuất khẩu thôn Đồng Chiêm.
Chị Đặng Thị Triệu (bên trái) chủ cơ sở kinh doanh lá tre xuất khẩu thôn Đồng Chiêm.

Năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp, chị đã thành công từ việc khai thác “tài nguyên bản địa”, trở thành tỷ phú, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nỗ lực vượt khó

Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, những xếp lá tre đã được sấy khô, buộc thếp cẩn thận chỉ chờ ngày xuất hàng, phảng phất một mùi thơm dịu nhẹ. Chị Triệu kể, chị có một tuổi thơ vất vả. “Là con cả trong một gia đình có 7 người con, những năm đó cuộc sống khó khăn ngoài trồng lúa người dân chỉ biết đi rừng, trồng sắn, lấy củi, lấy măng... Tôi nghỉ học khi mới học xong lớp 3 để ở nhà trông em và phụ giúp gia đình...”, chị Triệu nhớ lại.

Là người gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ, tuy cuộc sống muôn phần khó khăn nhưng chị Triệu luôn khát khao có một ngày sẽ làm giàu chính trên mảnh đất quê nhà. Năm 20 tuổi chị lấy chồng và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với những trăn trở làm kinh tế nhưng nguồn thu nhập chủ yếu vẫn từ làm ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Năm 1992, trong một lần đi rừng, chị thấy những người dân làng bên (làng Phú Hiền, xã Hợp Thanh) đi cấu lá tre, lá bương nhưng không phải mang về đun mà lại được xếp ngay ngắn cẩn thận. Chị tò mò hỏi thì được người bạn chia sẻ, nhặt lá tre để đem bán.

Trong “cái khó ló cái khôn”, chị Triệu bắt đầu tìm tòi và may mắn được người bạn dẫn đường chỉ lối đến với cái nghề tưởng như đùa này. “Lá tre gắn bó với dân làng, gắn với tôi từ khi còn bé. Nhưng thú thực lúc đầu cầm lá tre lên, nhìn ngắm nó tôi tự hỏi: Không hiểu với thứ lá này thì ai mua? Tôi đã tìm hiểu, tham khảo các xã lân cận việc đi hái lá bương (lá măng tre bát độ) để bán và nhanh chóng tìm được câu trả lời…”, chị Triệu nhớ lại.

Sau khi được một thương lái giúp đỡ, chị Triệu bắt đầu học nghề từ việc lựa các kỹ thuật xử lý lá khi mang từ rừng về để cho ra sản phẩm. Với tính cần cù, chịu khó, ban ngày chị lao đi cấu lá (nhặt lá) ở ven các con đường nhỏ hoặc trên rừng. Có ngày, chị Triệu sang tận những cánh rừng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) để mang về những bao tải chỉ toàn lá tre. Đêm về chị lại miệt mài xử lý đống lá tre để kịp hàng bán cho thương lái.

“Tôi luôn ý thức rằng mình làm thôi chưa đủ mà mình phải thu mua để tăng khối lượng cho thương lái và làm kinh tế từ “tài nguyên bản địa” này. Nghĩ là làm tôi bắt đầu đi gom và mua lại lá tre của những người dân trong làng. Lúc đầu mới kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng cơ sở của tôi lớn dần và phát triển nhanh chóng…”, bà Triệu cho biết.

Thấy có hiệu quả, chị bàn với chồng vay vốn và được Hội Phụ nữ xã An Phú cho vay 500 nghìn đồng. Chị đi khắp nơi để thu mua lá tre, từ trong làng ngoài xã, sang cả mạn Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), lên tận vùng Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang. Khi cái tiếng đã lan xa, mọi người lại tự mang lá tới để bán cho chị. Nhiều lúc, lá tre chất đầy nhà không có lối đi...

Chị liên hệ được với chủ thu mua ở Đoan Hùng (Phú Thọ) và có được khoản thu nhập đều đầu tiên từ việc thu hái lá. Sau hơn 1 năm, chị Triệu đã trở thành đầu mối cung cấp cho thương lái, dần dần tạo được sự tin tưởng và trực tiếp bán, xuất khẩu cho doanh nghiệp của Đài Loan. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị Triệu và chồng phải đi sang các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ để học hỏi kỹ thuật sấy, ép lá nhằm mở rộng thị trường và vay mượn đầu tư máy móc, trang thiết bị… để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Làm giàu trên đất quê hương

Trực tiếp ra khu làm việc của công nhân cơ sở nhà chị Triệu, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh người lao động ở đây đang tăng nhịp độ sản xuất để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Chị Triệu cho biết, lá bương không phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... vì vậy họ tìm sang Việt Nam để tìm mua loại lá này về gói những loại bánh cao cấp.

 “Biến” lá tre thành... tiền ảnh 1
 Chị Đặng Thị Triệu trực tiếp tham gia sản xuất cùng công nhân.

Chị Triệu bảo, trong các đối tác của mình thì các đối tác người Nhật Bản là khó tính nhất. Những chiếc lá bương họ đặt hàng không qua sấy nhưng vẫn phải giữ được màu xanh của lá. Lá phải được luộc qua vài ba lần đúng với quy trình của họ. Chính vì vậy, chị phải mời những người có chuyên môn xử lý lá cho xưởng để có những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn mà đối tác yêu cầu.

Chị Vũ Thị Thuê - công nhân làm lá bương cho biết, lá bương chỉ làm thời vụ từ tháng 5 đến tháng 11 trong năm. “Công việc không nặng nhọc phù hợp với những người tuổi trung niên, chỉ cần chịu khó mỗi tháng có thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Lúc nông nhàn, công việc này và mức thu nhập ấy cũng giúp tôi trang trải được nhiều khoản chi tiêu trong gia đình…”, chị Thuê nói.

Hiện nay, ngoài cơ sở tại gia đình xưởng của chị Triệu tại Hòa Bình có 4 lò với khoảng gần 30 công nhân cơ hữu, chỉ tính riêng thu nhập 4 lò trên Hòa Bình khoảng 1 tạ lá khô/lò/ngày đem lại thu nhập khoảng 500/700 nghìn/người/ngày. Được biết từ đầu vụ (tháng 5) đến đầu tháng 8/2019, lượng bán lá tại cơ sở chị Triệu gần 20 tấn lá.

Trung bình mỗi vụ chị Triệu xuất khẩu từ 100 - 200 tấn lá tre, không chỉ thị trường Đài Loan mà còn đáp ứng được cả những yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, mỗi chuyến thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người dân trong làng xã và hàng trăm người thu gom lá ở những tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái…

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) Bùi Thị Hường cho biết, chị Triệu là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương và là tấm gương sáng cho các chị em hội viên noi theo.

Không chỉ nhiệt tình ủng hộ các phong trào thi đua yêu nước chị Triệu còn giúp đỡ những hội viên khó khăn vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Năm 2018, chị Triệu vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?