(GD&TĐ) - Giữa lúc vẫn đang còn nhiều ý kiến đa chiều về dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, thì dư luận lại thêm một lần nữa xôn xao với thông tin “nóng hổi” về việc Bộ Tài chính đang hoàn thiện một dự thảo thông tư, trong đó có quy định về việc cấm mua ô tô bằng tiền mặt. Thực tế, việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch lớn không chỉ lần đầu tiên được khuyến cáo, tuy nhiên khi đưa vào các quy định của Chính phủ thì lại thành vấn đề của dư luận.
Dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt thay thế Nghị định 161/2006/NĐ-CP đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; nếu hoàn tất sớm có thể trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 6/2013.
Theo đó, các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua bán chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán. Việc mua bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp như máy bay, tàu thủy, ôtô... cũng không được phép thực hiện thanh toán bằng tiền mặt. Đối với cá nhân cũng không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản, ô tô, xe máy... vượt hạn mức cho phép. Dự thảo cũng đang bàn tới việc các giao dịch dưới 30 triệu đồng có thể được sử dụng tiền mặt thanh toán. Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính thì đơn giản và cụ thể hơn khi có mục quy định trong mua bán ô tô, sẽ cấm ngặt việc sử dụng tiền mặt.
Ảnh MH |
Chung quy, cả hai dự thảo này cùng hướng về việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch, nhất là những giao dịch lớn. Về mặt quản lý xã hội, nhất là ở khía cạnh kinh tế, đó là những quy định hợp lý và cần thiết, nhưng ở nước ta, mọi việc lại không đơn giản đến như vậy…
Nhưng vì sao vẫn có nhiều ý kiến phản đối các dự thảo này? Trước hết, những nghi ngờ về tính khả thi của các quy định chỉ là sự ngụy biện cho một thói quen đã thành nếp trong xã hội, không dễ xóa bỏ và nhiều người vì lý do này lý do nọ mà không muốn xoá bỏ. Nhưng mặt khác, không ít ý kiến lo ngại xuất phát từ sự không yên tâm, hay nhẹ nhàng hơn là không hài lòng về hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện nay. Sự thiếu tin tưởng mức độ tin tưởng thấp đối với ngân hàng đã dẫn đến thực tế dù cả nước hiện có hơn 51 triệu thẻ ngân hàng, hơn 14.000 máy ATM và 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ nhưng các tài khoản ngân hàng này chủ yếu dùng để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua thẻ và các tiện ích của ngân hàng.
Người dân ở các nước phát triển ít sử dụng tiền mặt bởi lẽ ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ giữ tiền cho họ, bất cứ dịch vụ lớn nhỏ nào cũng đều có thể thanh toán bằng thẻ. Ở nước ta thì ngược lại, ngay cả nhiều dịch vụ cao cấp cũng không có phương thức thanh toán này, trong khi ngân hàng thì làm dịch vụ hơn là phục vụ. Bằng chứng là, song song với dự thảo nghị định thanh toán tiền mặt thì ngân hàng cũng đưa ra hàng loạt quy định thu phí đối với chủ thẻ (rút tiền, gửi tiền hay chuyển khoản) trong khi hạ tầng cơ sở của hệ thống thì còn hết sức lạc hậu. Thực tế là, ngoại trừ chuyển khoản cùng hệ thống tiền sẽ đến sau ít phút; còn nếu chuyển ngoài hệ thống, có khi từ sáng đến trưa tiền mới tới nơi. Thế nên, nhiều người vẫn “tiền trao cháo múc” cho tiện là vậy.
Hạn chế sử dụng tiền mặt là cần thiết, nhưng cũng cần có những lộ trình cụ thể và nhất là sự chuyển động từ chính các ngân hàng để tạo thuận tiện cũng như hình thành thói quen cho người dân. Nếu không, sẽ tạo ra cảm giác ngân hàng lại “ép” dân để thu dịch vụ, như đối với vấn đề thu phí thẻ ATM đang “nóng” hiện nay…
Nhất Nguyên