Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau

GD&TĐ - Xuất ngũ, tôi đi học trung cấp sư phạm và được phân công dạy tiểu học. Năm 2000, tôi đi học đại học hệ tại chức. Từ năm 2015, tôi được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng. Tôi được hưởng phụ cấp thâm niên từ khi nào? – Trương Văn Luân (vanluan***@gmail.com).

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

* Trả lời:

Với những thông tin mà bạn cung cấp, rất khó để chúng tôi trả lời chính xác cho bạn. Vì vậy, chúng tôi xin dẫn các văn bản sau để bạn tham khảo và có cơ sở pháp lý khi tính hưởng phụ cấp thâm niên cho mình.

Cụ thể: Theo Điều 1 Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo”, quy định đối tượng áp dụng là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên là: Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên (theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP).

Còn Tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số: 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo”, có nêu: Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

- Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ