Liên hoan Ảo thuật lần IV-2023 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) vừa khép lại để lại dư âm đẹp trong lòng khán giả và niềm nao nức bước vào chặng đường mới đối với nghệ sĩ.
Cũng vì, phải đợi sau 5 năm – từ 2018 đến nay, công chúng mới có dịp được thưởng thức “bữa tiệc” ảo thuật “đủ món” chứ không phải chỉ đóng “vai phụ”, diễn lót, nối nhịp cho tiết mục xiếc nào đó.
Với nghệ sĩ cũng vậy, sau 5 năm họ mới được tụ hội, khoe tài những tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng và thăng hoa theo những tràng pháo tay tưởng thưởng của khán giả. Song, buồn thay khi không còn mấy gương mặt quen thuộc đã từng “chinh chiến” ở những kỳ liên hoan trước, bắt đầu từ 2008 đến 2012 rồi 2018… trở lại.
Bởi lẽ, với “độ dãn” quá rộng giữa các kỳ khiến không ít người nản mà bỏ cuộc chơi. Tài năng cũng theo đó mà rơi rụng, chẳng còn mấy ai thực sự tâm huyết gắn bó bền bỉ với nghề. Nếu gắng gỏi duy trì thì mang nỗi ngậm ngùi phận hẩm duyên ôi sau cánh màn nhung…
Nhưng, sau lần liên hoan này, họ không còn phải chờ đến 5 năm nữa (mà đôi khi cũng phập phù thành 6 năm như giữa lần 2 và lần 3). “Sẽ định kỳ 3 năm một lần” – lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã ấn định như thế cho ảo thuật.
Nghĩa là, khi đó không chỉ nghệ sĩ được nao nức trong niềm vui trảy hội, đến hẹn lại lên mà còn hãnh diện về nghề - ảo thuật được coi trọng với vị trí là bộ môn nghệ thuật độc lập, được “bày tiệc” cho công chúng như các loại hình khác, chứ không còn kiểu vai phụ cho xiếc như bấy lâu nay.
Thế nên, đây là thời cơ để ảo thuật phát triển, khẳng định “vai vế” của mình giữa “chốn ba quân”. Song, nếu thời cơ đến mà ảo thuật vẫn đứng im, mặc nguyên tấm áo cũ thì e rằng khó thoát “vai phụ”.
Vì vậy, cần lắm những sáng tạo thực sự “thoát vai” cho ảo thuật bằng các động tác nhà nghề chứ đừng đóng đinh với những trò diễn quá cũ, đơn lẻ, rời rạc, vụn vặt và phần lớn lệ thuộc vào đạo cụ. Ở kỳ liên hoan vừa qua hay các kỳ trước vẫn còn đó không ít tiết mục trùng lặp, nhàm chán, quay đi quay lại vẫn là bồ câu, hoa hồng, cắt người, chậu cây…
Việc xây dựng những vở diễn dùng ngôn ngữ ảo thuật để kể chuyện, tạo sức lôi cuốn không chỉ ở độ khéo léo, tinh mắt tinh tay mà cả về cảm xúc cho khán giả cũng là điều cần hướng tới.
Nhất là, câu chuyện thuần Việt được tái hiện đầy cảm xúc được ảo thuật chuyển tải một cách tinh tế, điệu nghệ cũng là điều công chúng luôn mong đợi. Sức cạnh tranh với ảo thuật trực tuyến (mà người người chỉ cần ngồi nhà cũng có thể thưởng thức) của nền ảo thuật nước nhà bắt đầu từ đó.