Thoát nghèo đâu xa

GD&TĐ - Không ít người ngạc nhiên khi tiếp nhận thông tin, nhiều loại rau rừng và một số gia súc, gia cầm ở các huyện vùng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam vừa mới xuất hiện trong các siêu thị của các tỉnh nói trên để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngạc nhiện là bởi, loài rau mọc hoang trên núi ấy chỉ làm mỗi một việc là cứu đói qua ngày cho đồng bào vùng cao, thì nay đã thành một món hàng “hot”. Rau rừng giờ đã là thứ thực phẩm “siêu sạch”, có thể đứng ngang hàng với các loại thực phẩm cao cấp được nhập từ các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao.

Việc rau rừng có mặt trong các siêu thị ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam không phải là chuyện mới mẻ vì cách đây ba năm, rau dớn - một loại rau mọc rất nhiều ven các con suối và ớt hiểm - loại ớt trái nhỏ mọc hoang trên núi - ở huyện vùng cao Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có mặt tại các siêu thị. Đến nay, nhiều loại rau rừng và gia súc, gia cầm do đồng bào Hre của huyện này “chăm sóc” cũng đã xuất hiện trên 40 siêu thị trong toàn quốc.

Dự án “xóa nghèo khu vực Tây Nguyên” đã tiếp sức cho những nhà quản lý của huyện này có nguồn lực để thực hiện hoài bão của nhiều thế hệ lãnh đạo trước đây là làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có thể thoát nghèo bằng chính những sản phẩm do họ làm ra trên mảnh ruộng, khu vườn của mình. Sơn Hà là huyện vùng cao đầu tiên của khu vực Trung Bộ đã được Chính phủ công nhận là huyện “thoát nghèo” một phần là nhờ vào các loại thực phẩm từng một thời được coi là “tự cung tự cấp” này.

Bao nhiêu năm nay, các huyện vùng cao cứ loay hoay trước câu hỏi: Trồng cây gì? nuôi con gì? Nhưng tìm mãi, tốn không biết bao nhiêu cuộc họp, cuộc hội thảo và mất không ít tiền của từ ngân sách để đi tìm câu trả lời nhưng vẫn tìm không ra. Hóa ra, nó nằm ngay trước mặt, nó xuất hiện bốn chung quanh buôn làng, nó sờ sờ trên nương rẫy chứ chả đâu xa. Vấn đề là những người đứng đầu chính quyền ở những nơi ấy có “nhìn ra” và biết cách biến những thứ “quen mặt” kia thành “hàng hiếm” hay không mà thôi.

Hàng ngày, chúng ta luôn phải đối mặt với vô vàn những thứ bất an từ lương thực, thực phẩm. Vì vậy, chuyện “ăn no” không còn bận tâm như trước nữa mà “sạch” mới là tiêu chí hàng đầu. Lên vùng cao Sơn Hà, tận mắt chứng kiến những “vườn rau organic” dọc các bờ suối, những vạt rau rừng được người dân chăm chút, giữ gìn như thể chính họ đã gieo trồng thứ rau ấy mới hiểu vì sao họ đã “thoát nghèo bền vững”.

Những ngày áp Tết, nhiều chuyến xe đông lạnh mang đủ các biển số từ nhiều tỉnh, thành đã về tận các buôn làng của đồng bào vùng cao mua các loại thực phẩm sạch để cung cấp cho các siêu thị đã làm cho những vùng rừng buồn tẻ một thời ấy trở nên sôi động lạ thường.

200 - 300.000 đồng/ 1kg ớt xanh, cả trăm nghìn một ký rau rừng... không còn là điều “mơ mộng” nữa. Rau rừng vào siêu thị- con đường thoát nghèo ngay trước mặt chứ chả đâu xa.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ