Sống chung với nước bẩn
Bước sang năm thứ 11 tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, bộ mặt Thủ đô đã có nhiều đổi thay. Kéo theo đó là hàng loạt thách thức, trong đó có vấn đề nước sạch cho người dân sử dụng. Theo thống kê, Hà Nội còn khoảng 3 triệu dân hàng ngày chưa có nước sạch trong sinh hoạt.
Anh Nguyễn Văn Trường, thôn Tả Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: “Toàn bộ dân trong thôn chưa có nước sạch, đang sử dụng nguồn nước giếng khoan. Nước có mùi hôi tanh, dù đã trang bị bộ lọc nước đồ sộ và tốn kém nhưng chất lượng nguồn nước không bảo đảm. Các lõi lọc chỉ dùng khoảng chục ngày đã ngả màu. Nếu dùng cố một tháng, lõi sẽ có màu sẫm hơn”.
Với mục tiêu cụ thể hóa đồ án quy hoạch cấp nước Thủ đô, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Thực tế cho thấy, ở Thanh Oai, để có nguồn nước dùng bớt ô nhiễm, gia đình nào cũng phải trang bị cối đá lọc nước rất to mới có đủ lượng nước đáp ứng nhu cầu tắm giặt và vệ sinh hàng ngày. Người dân phải dùng nước đóng chai làm nước ăn. Để trang bị được hệ thống lọc nước, gồm cối đá lọc và thiết bị lọc nhỏ, mỗi gia đình chi khoảng 7 triệu đồng. Nhà nào có điều kiện, muốn dùng máy lọc tốt hơn thì sẽ mua máy đắt tiền hơn.
Tuy nhiên, nước qua hệ thống lọc này người dân cũng không dám dùng để ăn uống, vẫn phải đầu tư thêm bể hứng nước mưa. Nước sau khi qua hệ thống lọc tổng, người dân bắt buộc phải lọc tiếp qua hệ thống RO 7 cấp nhưng cũng chỉ dám dùng để rửa bát, rửa rau. Nhưng khi sử dụng vẫn có màu vàng và mùi tanh, rất khó chịu.
Tương tự, dân Đan Phượng, Chương Mỹ… cũng chưa có được nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu hàng ngày. Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư 3.700 tỷ đồng, là 1/3 dự án về quy hoạch cấp nước cho Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sau ba năm mới chỉ dừng ở công việc giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, hơn 100.000 người dân Đan Phượng, chiếm khoảng 64% dân số cả huyện vẫn chưa hề có nước sạch. Người dân một số nơi của Chương Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự, không có nước sạch bởi dự án chậm tiến độ thi công.
Nút thắt cần tháo gỡ
Chị Trần Thị Tiến, thôn Tả Thanh Oai chia sẻ: “Thấy dự án nước sạch sông Đà khởi công, bà con trong thôn ai cũng rất mừng vì sẽ không còn cảnh lo ngày ngày thiếu nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, dân Tả Thanh Oai chúng tôi chỉ là mừng hụt, bởi nước sạch chưa về đến thôn. Dự án cung cấp nước sạch sông Đà chỉ về ba thôn: Siêu Khúc, Siêu Thuần, Minh Hòa chứ chưa về đến Tả Thanh Oai”.
Tại sao người dân Tả Thanh Oai đến nay vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt? Lý do là Hợp tác xã 30/4 Thanh Trì là đơn vị được UBND thành phố Hà Nội cho triển khai dự án nước cho khu vực này từ năm 2010. Từ đó đến nay, dự án vẫn ì ạch triển khai và từ năm 2015. Hợp tác xã 30/4 Thanh Trì phải gửi đơn xin gia hạn dự án. Ông Nguyễn Như Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã 30/4 cho biết: “Sau khi được Sở Xây dựng cấp phép chúng tôi mới có đủ điều kiện mời nhà đầu tư nhờ đấu thầu, để các đơn vị thi công”.
Sắp tới, đường ống nước sạch sông Đà sẽ hoàn thiện. Hy vọng khi dân sống ở khu vực lân cận có nước sạch thì người dân Tả Thanh Oai cũng được hưởng lây. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND huyện Đan Phượng cũng đề xuất thành phố xem xét thay thế chủ đầu tư, vì không đảm bảo tiến độ.
Sống giữa Thủ đô văn minh, nhưng bể chứa nước mưa vẫn đang được coi là nguồn nước sinh hoạt của nhiều gia đình ở Tả Thanh Oai. Tuy nhiên, người dân vạn bất đắc dĩ phải sử dụng nguồn nước này bởi Hà Nội những năm gần đây cũng ô nhiễm khói bụi, không khí không trong lành, nên chất lượng nước mưa cũng không thể đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch.
Phát triển hệ thống nước sạch được coi là khâu ưu tiên, đột phá để UBND thành phố Hà Nội tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% dân cư đô thị, kể cả nông thôn có nước sạch sử dụng. Còn 11 tháng nữa, liệu thành phố có đạt được mục tiêu hay không?