Thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn nhờ tận dụng hiệu quả từ nhiều nguồn vốn

GD&TĐ - Xã ven biển Thừa Thiên Huế thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn nhờ vận dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ và áp dụng hiệu quả chính sách giảm nghèo.

Chính quyền xã Điền Hương hỗ trợ bò cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. (Ảnh: UBND xã Điền Hương)
Chính quyền xã Điền Hương hỗ trợ bò cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. (Ảnh: UBND xã Điền Hương)

Nhiều kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo

Xã Điền Hương, huyện Phong Điền là một trong 7 xã của Thừa Thiên Huế thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Những năm qua, các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương đã cùng nhau phấn đấu thực hiện các chương trình, công tác giảm nghèo, góp phần đưa Điền Hương trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

z5674703300771_de255b33faa08d3e0384a4df717e5620.jpg
Trụ sở UBND xã Điền Hương. (Ảnh: Hoàng Hải)

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đóng góp của nhân dân và nguồn huy động hợp pháp khác, đến nay, tỷ lệ km đường trục liên xã, thôn đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 100%.

Xã Điền Hương cũng được ngân sách Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng 7 trạm bơm điện, hệ thống kênh mương thủy lợi,... Trên địa bàn xã đã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Để đảm bảo sinh hoạt cho người dân được diễn ra thuận lợi, xã đã đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa, sửa chữa các nhà sinh hoạt cộng đồng và xây dựng chợ mới, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân.

Bà Trương Thị Lâm (thôn Thanh Hương Tây) là một hộ gia đình tiêu biểu, đã tự nguyện hiến hơn 1000m2 đất để xây dựng nhà cộng đồng. Bà Lâm chia sẻ, khi có chủ trương của xã, gia đình bà đã rất đồng lòng hiến đất để bà con có nơi sinh hoạt, hội họp, giao lưu,... và đây là một việc thiết thực để góp phần cùng chính quyền trong nhiệm vụ đưa xã Điền Hương đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đảm bảo trên địa bàn xã không có nhà ở tạm bợ, dột nát, tất cả người nghèo đều đảm bảo không thiếu hụt về nhà ở, thông qua nhiều nguồn vốn, xã Điền Hương đã hỗ trợ cho hơn 100 hộ xây dựng, sửa chữa lại nhà ở, đến nay không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Vận dụng từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chương trình đã được đầu tư, áp dụng cho người dân đạt hiệu quả. Điển hình có nhiều mô hình sinh kế trồng trọt, chăn nuôi được nhân rộng như: đề án phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đàn bò, nuôi gà thả vườn, trồng nấm rơm...

z5659857364207_79eb81252d7d2416c4bc3706dd5064a4.jpg
UBND xã Điền Hương hỗ trợ bò cho hộ dân ngày 23/7/2024.

Để không tái nghèo, giảm nghèo, chính quyền cũng luôn tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức vay vốn, đưa lao động vào làm việc tại khu công nghiệp như: Công ty may Scavi, Nhà máy chế biến thủy sản Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam,...

z5657407111544_cf8fef37a4b588c9d7c323243ee4ed18.jpg
Xã Điền Hương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. (Ảnh: UBND xã Điền Hương)

Đầu năm 2021, xã Điền Hương còn 69 hộ nghèo (tỷ lệ 7,57%), đến năm 2023 giảm còn 58 hộ nghèo (tỷ lệ 6,6%) và đến đầu năm 2024 giảm còn 47 hộ nghèo (tỷ lệ 4,93%). Địa phương đang phấn đến năm 2025 giảm còn 36 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,90%.

Đối chiếu với 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Điền Hương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Ngày 25/7/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận xã Điền Hương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Chú trọng thêm 3 nguồn hỗ trợ từ bên ngoài

Trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại, ông Thái Duy Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, để thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, ngoài các chính sách của Nhà nước, đơn vị cũng tranh thủ từ các nguồn lực bên ngoài, trong đó chú trọng đến 3 nguồn hỗ trợ.

Nguồn thứ nhất là sự hỗ trợ từ tổ chức SCDI và Trung tâm công tác xã hội CODES- Huế đã hỗ trợ cho xã 500 triệu đồng không hoàn lại. Mỗi năm, xã sẽ cho mỗi hộ vay 10 triệu đồng không lãi suất và trả trong 2 năm, hết năm sẽ đến các hộ khác tiếp tục được vay, cứ như vậy theo vòng mà nhiều hộ dân được vay vốn để phát triển sinh kế. Đến nay nguồn vốn đang được duy trì phát huy hiệu quả và Hội Liên hiệp phụ nữ xã quản lý, điều hành nguồn quỹ này.

z5659857380312_5228daf4922cfd21986676e0387c096f.jpg
Người dân vui mừng khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò.

Nguồn lực thứ hai mà xã chú trọng đến là từ nguồn quỹ “Vì đồng bào” của ông Đoàn Ngọc Hải đã giúp cho xã vay 500 triệu đồng không tính lãi, từ đó các hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn với số tiền vay. Đại diện UBND xã Điền Hương cho biết thêm, nguồn quỹ này xã được hỗ trợ năm 2021 và đã trả xong vào năm 2023 cho quỹ của ông Hải.

Nguồn lực thứ ba mà xã Điền Hương tận dụng là nguồn vốn từ tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 21 tổ chức hoạt động để tìm giải pháp cho nghèo đói và bất công) hỗ trợ cho mỗi hộ dân 3,2 triệu đồng.

Là một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng với nghị lực vươn lên cùng sự trợ giúp của tổ chức Oxfam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, gia đình bà Trần Thị Hòa (SN 1960, trú tại thôn Thanh Hương Tây) đã sử dụng nguồn tiền để chăn nuôi, phát triển sản xuất vươn lên quyết tâm thoát nghèo.

m.jpg
Bà Trần Thị Hòa được tổ chức Oxfam hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi. (Ảnh: UBND xã Điền Hương)

“Có được vốn, tôi đã đầu tư lại chuồng trại, mua thêm rơm rạ dự trữ mùa mưa. Bò của tôi cũng sắp sinh, sau 1 năm tôi có thể bán con bò con tầm 10-12 triệu, số tiền này tôi sẽ cải tạo lại chuồng trại, một phần để trả nợ và mua sắm thêm đồ dùng gia đình.

Dự tính năm thứ 2 khi bò mẹ sinh thêm bê con nữa tôi sẽ nuôi con bê con này thành bò sinh sản, như vậy tôi sẽ có 2 con bò mẹ sinh sản. Nếu ông trời thương thì sau vài năm, 2 con bò sinh sản mỗi năm tôi có thể bán được 2 con bò con, thu thêm được trên 20 triệu đồng, hy vọng cuộc sống sẽ khởi sắc hơn”, bà Hòa vui mừng chia sẻ.

Ông Thái Duy Khánh cho biết thêm, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển với các chương trình lớn như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; các dự án, chính sách ưu đãi, giảm nghèo,... được triển khai thực hiện trên địa bàn.

UBND xã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ban chỉ đạo giảm nghèo,... Vì vậy công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa xã Điền Hương đạt chuẩn nông thôn mới.

z5674703982192_caa53c0a1f761027447512c6833cad2c.jpg
Hệ thống đường liên thôn, liên xã của xã Điền Hương, được đầu tư, mở rộng, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. (Ảnh: Hoàng Hải)

Ngày 28/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 576/QĐ-TTg công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Thừa Thiên Huế là địa phương có 3 xã thuộc quyết định trên, trong đó có xã Điền Hương, huyện Phong Điền. Đây là thành quả mang lại từ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành cùng bà con nhân dân trong việc thực hiện các chính sách thoát nghèo bền vững, mang lại hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.