Thoát khỏi khuôn mẫu

GD&TĐ - Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông là điều đã và đang được quan tâm.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Công việc trên được đặc biệt đẩy mạnh khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để có giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần rõ mục đích, yêu cầu đối với hoạt động này.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã ghi rõ: Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh việc dạy học, quản lý và phát triển chương trình. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh…

Hiện những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hướng dẫn công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường phổ thông của Bộ GD&ĐT cho thấy sự thay đổi khá lớn so với trước đây. Nhưng dường như, trong thực tiễn thực hành của đội ngũ, sự thay đổi chưa thực sự rõ nét.

Nhiều thầy cô vẫn trung thành với cách thức kiểm tra, đánh giá truyền thống, ít có sự đầu tư, đổi mới, sáng tạo. Một chuyên gia cho rằng, điều này có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức của giáo viên về triết lý của hoạt động đánh giá; sự cởi mở đón nhận, tìm tòi, sáng tạo khi dạy học nói chung, thiết kế và sử dụng hình thức kiểm tra đánh giá nói riêng trong quá trình dạy học.

Mặc dù mục đích khác nhau, nhưng các hoạt động kiểm tra đánh giá trong dạy học đều thực hiện bốn chức năng cơ bản là: Định hướng, tạo động lực, phân loại và cải tiến dự báo ở nhiều mức độ. Chủ trương đã rõ, để thực hiện được mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, yếu tố tiên quyết vẫn là quyết tâm, nỗ lực, chịu khó tìm tòi, đổi mới của đội ngũ nhà giáo.

Làm sao đa dạng hình thức đánh giá; không chỉ đánh giá điều học sinh biết, mà cả những gì học sinh làm; quan tâm nhiều hơn đến sự tiến bộ và mức độ năng lực của mỗi cá nhân được bộc lộ trong quá trình học tập, qua đó có sự điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp.

Tất nhiên, thay đổi đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng nếu không làm sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Và thầy cô hoàn toàn không cô độc trên con đường này. Bên cạnh những khóa tập huấn của Bộ/Sở GD&ĐT, có nhiều nhóm cộng đồng giáo viên đã ra đời với mục đích chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các khóa đào tạo trực tuyến (miễn phí) của một vài tổ chức giáo dục uy tín cũng được xây dựng. Tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, Khoa Quản trị chất lượng đã và đang duy trì kênh YouTube nhằm liên tục cập nhật các video về đo lường và đánh giá trong giáo dục. Năm 2021, ĐHQG Hà Nội khai trương và từ đó đến nay vẫn duy trì kênh Hỗ trợ giáo dục tiểu học.

Nhưng có lẽ, vẫn cần nhiều hơn nữa những khóa tập huấn dành cho giáo viên mang tính lý luận nhưng thực tế. Mục tiêu hướng tới là giúp thầy cô nhận thức sâu sắc về vai trò của kiểm tra đánh giá với quá trình nhận thức, sự tiến bộ của học sinh; từ đó tiếp tục tự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo, thoát khỏi những khuôn mẫu thực hành kiểm tra đánh giá đã có.

Chúng ta cũng không thể đòi hỏi sự thay đổi ngay lập tức. Đây là quá trình lâu dài, ở đó cần sự nỗ lực từ cả hai phía: Bản thân giáo viên và những nhà quản lý, xây dựng chính sách giáo dục. Năng lực, kỹ năng đánh giá học sinh của thầy cô cũng cần được chú trọng ngay từ đào tạo tại các trường sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ