Thoát hiểm từ đám mây giông

GD&TĐ - Gặp thời tiết xấu, phi cơ kẹt trong đám mây vũ tích, một phi công buộc phải phóng dù ra và thoát hiểm một cách kỳ lạ.

Chiếc phi cơ William Henry Rankin lái trước khi lâm nạn và quyển sách kể về trải nghiệm kinh hoàng của anh.
Chiếc phi cơ William Henry Rankin lái trước khi lâm nạn và quyển sách kể về trải nghiệm kinh hoàng của anh.

Trải nghiệm trong tình cảnh bị bao quanh bởi sấm sét, mưa đá ở trên trời khiến anh không thể nào quên.

Kẹt trong mây giông

Trung tá William Henry Rankin nhẹ nhàng kéo cần lái chiếc chiến đấu cơ siêu âm F-8 Crusader lên độ cao ổn định để vượt qua đám mây giông đáng ngại đang hình thành ngay trước mặt. Trước đây, anh từng gặp trong một đám mây như vậy và trải nghiệm đó dữ dội đến mức không cần ai nhắc, anh cũng nhận rõ là mình phải làm gì.

Ở độ cao hơn 13.000m, Rankin vẫn nhìn thấy mây bão phía trên nên anh phải vượt lên nó ở độ cao khoảng 14.000m. Phi công yểm trợ của anh, Trung úy Herbert Nolan, bay sau trên chiếc Crusader khác cũng hành động tương tự.

Đó là ngày 26 tháng 7 năm 1959, Rankin và Nolan bay qua bờ biển Carolina từ Trạm hàng không Hải quân ở Nam Weymouth đến Trạm hàng không Thủy quân lục chiến ở Beaufort trong thời tiết trong lành, nắng đẹp. Cho đến khi họ bay ngang qua thành phố Atlantic, bầu trời bắt đầu trở nên mờ mịt và Rankin có thể thấy một cơn bão khủng khiếp đang ập đến, trong khi còn nửa giờ nữa mới đến nơi.

Đột nhiên, Rankin nghe tiếng va đập mạnh rồi một loạt cú sốc xảy ra sau đó. Đèn báo cho thấy hệ thống động cơ có nhiệt độ quá cao, có thể xảy ra cháy. Rankin phản ứng bằng cách hạ công suất để giảm áp lực cho động cơ, đồng thời báo cho phi công bay cạnh rằng, anh có thể phải phóng dù ra.

Đang ở độ cao hơn 14.000m, Rankin hiểu mình khó có thể thoát ra một cách an toàn. Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn mức đóng băng, trong khi anh chỉ mặc một bộ đồ bay dành cho mùa Hè. Chờ máy bay giảm tốc độ và tự hạ xuống có vẻ là một lựa chọn, nhưng sẽ có những nguy hiểm khó lường.

Không lãng phí thêm những phút giây quý giá nào, Rankin quyết định phóng ra. Ngay khi cơ thể tiếp xúc với không khí âm 70 độ, tứ chi của anh cứng đờ. Sự thay đổi đột ngột của áp suất không khí khiến máu bắt đầu chảy ra từ mắt, tai, mũi và miệng của anh.

Tiếp tục rơi qua đám mây giông bão, Rankin bị lộn nhào, quay tròn trong không trung. Bất chấp tình trạng rơi tự do không thành công, Rankin vẫn cố gắng đưa nguồn cung cấp oxy khẩn cấp vào miệng. Nó sẽ giúp anh sống sót trong khoảng thời gian vừa đủ để chiếc dù tự động bung ra ở độ cao 3.000m.

Chiến đấu trong tâm bão

Trung tá William Henry Rankin, người thoát hiểm ngoạn mục từ trên trời.

Trung tá William Henry Rankin, người thoát hiểm ngoạn mục từ trên trời.

Đám mây trở nên dày đặc và tối tăm. Trong ánh sáng yếu ớt, Rankin nhìn đồng hồ và ngạc nhiên khi thấy đã gần năm phút trôi qua kể từ khi anh lao ra. Có lẽ anh ta đã vượt qua mốc 3.000m và chiếc dù bị trục trặc.

Cũng có thể anh chỉ cách mặt đất chừng vài trăm mét. Rankin rất muốn kéo dù bằng tay, nhưng ngay khi chuẩn bị làm điều đó, anh cảm thấy nhẹ nhõm khi biết dù lượng oxy khẩn cấp đã hết nhưng không khí ở độ cao này vẫn đủ đậm đặc để anh có thể thở.

Mười phút sau khi ra khỏi máy bay, lẽ ra Rankin đã chạm đất, nhưng những luồng không khí khổng lồ dâng lên trong lõi đám mây đã ngăn cản cú rơi của anh. Rankin thấy mình bị quăng quật và bị bắn lên cao. Ghê sợ nhất là tia chớp và sấm sét.

“Tiếng sấm đầu tiên vang lên như một tiếng nổ chói tai, sau đó là một tia chớp chói mắt, rồi một âm thanh cuồn cuộn, gầm rú làm rung chuyển từng thớ thịt trong tôi. Tia sét ở rất gần, rực rỡ đến nỗi ngay cả khi nhắm mắt lại theo bản năng tôi vẫn cảm giác ‘nhìn thấy’ bên ngoài một màu đỏ thẫm.

Nó ở xung quanh tôi, trên, dưới, với mọi hình dạng. Khi đến rất gần, nó xuất hiện dưới dạng một tấm vải khổng lồ, màu xanh lam, dày vài cm, đôi khi bám sát vào tôi thành từng cặp, giống như những lưỡi kéo, và tôi có cảm giác rõ ràng rằng mình đang bị cắt làm đôi…”, anh kể.

Rồi cơn mưa bắt đầu trút xuống dày đặc đến nỗi Rankin sợ mình sẽ chết đuối... trên trời. Tiếp theo là những trận mưa đá lớn giáng xuống. Nhờ có mũ bảo hiểm nên Rankin tránh khỏi một số chấn động nhất định nhưng cơ thể anh đầy những vết bầm màu đen và xanh. Không quan tâm đến thời gian nữa, anh chấp nhận một trận chiến khó khăn, lâu dài.

Cuối cùng, Rankin nhận thấy không khí trở nên trong lành và mưa cũng nhẹ nhàng hơn. Một lúc sau, anh đã rời khỏi đám mây, chỉ còn ở độ cao từ khoảng 60m đến 90m đủ để tự định hướng đáp xuống.

Chiếc dù của Rankin mắc vào ngọn cây, cơ thể bầm dập, bầm tím và ướt đẫm của anh va vào một thân cây. Sau vài phút đánh giá tình hình và kiểm tra tứ chi xem có bị gãy xương không, Rankin nhìn đồng hồ. Lúc đó là 6 giờ 40 chiều. Anh đã trải qua bốn mươi phút bồng bềnh trong tâm bão khủng khiếp.

Loạng choạng bước ra khỏi bụi cây, Rankin đi về phía đường ô tô, cố gắng vẫy một số phương tiện đi qua. Một chiếc ô tô dừng lại và đưa anh đến một cửa hàng nông thôn, nơi người ta dùng điện thoại để gọi xe cấp cứu.

Rankin nhập viện ở Ahoskie, Bắc Carolina và phải mất vài tuần để hồi phục. May mắn là các vết thương của anh tương đối nhẹ. Với thời gian và sự quan tâm chăm sóc, anh dần lấy lại được sức khỏe và quay trở lại với trách nhiệm của mình.

Một năm sau lần thoát hiểm ngoạn mục, William Henry Rankin đã ghi lại trải nghiệm đáng sợ của mình trong quyển sách có tựa đề The Man Who Rode the Thunder (Tạm dịch: Người đàn ông cưỡi sấm sét), một tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nơi người đọc. Viên phi công quả cảm này qua đời vào năm 2009 ở tuổi 88.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.