Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Ai hưởng lợi?

GD&TĐ - “Giai đoạn một” của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã đạt được và sẽ tăng gần gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong vòng hai năm tới - Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hôm 15/12. Song nhiều chuyên gia cho rằng, thỏa thuận này có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Ai hưởng lợi?

Chiến tranh thương mại xẹp ngòi

Phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của kênh truyền hình CBS, ông Lighthizer cho biết, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung còn một số vấn đề thông thường trong văn bản nhưng “chắc chắn đã hoàn toàn đạt được”.

Thỏa thuận được công bố hôm 13/12 sau hơn 2 năm rưỡi đàm phán chập chờn giữa Washington và Bắc Kinh. Mỹ đồng ý giảm một nửa tỉ lệ thuế từ 15% xuống còn 7,5% với danh sách hàng hóa trị giá 120 tỉ USD của Trung Quốc, bao gồm tai nghe bluetooth, loa thông minh, tivi màn hình phẳng. Mức thuế 25% với 250 tỉ USD hàng hóa Mỹ được giữ nguyên.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng giá trị nhập khẩu nông sản Mỹ thêm 32 tỉ trong 2 năm tới, mua hàng hóa, năng lượng và dịch vụ của Mỹ ít nhất 200 tỉ USD. Trung Quốc cũng cam kết bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, ngăn chặn việc chuyển giao ép buộc công nghệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cho công ty Mỹ và tránh thao túng đồng nhân dân tệ.

Bên cạnh các lợi ích đó, ngay tức thời, thỏa thuận này đã đình chỉ đợt đánh thuế mới mà Mỹ đe dọa nhằm vào danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỉ USD dự kiến có hiệu lực ngày 15/12, trong đó có hàng điện tử tiêu dùng và đồ chơi Trung Quốc. Trung Quốc hôm 15/12 cũng hủy thuế bổ sung định nhằm vào hàng hóa Mỹ như ngô, ô tô sản xuất tại Mỹ và phụ tùng ô tô. Thuế đã đánh vào các hàng hóa khác sẽ được giữ nguyên.

Ông Lighthizer nói rằng, hai bên vẫn còn chưa quyết định thời gian để chính thức ký thỏa thuận. Song hai bên hy vọng sẽ ký được thỏa thuận vào tháng Giêng tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là “thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng thỏa thuận là “tin tốt cho tất cả và sẽ đem lại sự ổn định trong thương mại toàn cầu”.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 419 tỉ USD năm 2018 và riêng trong 9 tháng đầu năm 2019 lên tới gần 500 tỉ USD. Thỏa thuận lần này khiến chính quyền Trump tiến tới gần hơn mục tiêu thu hẹp mức thâm hụt khổng lồ đó, với cam kết mua hàng của Trung Quốc được chờ đợi giảm thâm hụt tới 419 tỉ.

Đây là một thắng lợi quan trọng với ông Trump về mặt chính trị khi ông đang cố gắng thu hút cử tri, nhất là cử tri khu vực nông thôn, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Lợi thế cho Trung Quốc

Sáng 16/12, các cổ phiếu châu Á đều tăng giá như một phản ứng tích cực với thỏa thuận trên. Song vẫn còn nhiều điều được cho là còn chưa chắc chắn. Vấn đề mua nông sản là điều được quan tâm hơn cả. Đại diện Thương mại Lighthizer cho biết, dự kiến giá trị nông sản Mỹ mà Trung Quốc mua trong hai năm tới sẽ tăng từ 40 - 50 tỉ USD mỗi năm.

Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nông sản trị giá khoảng 24 tỉ USD năm 2017 - con số tương đối thấp, tính trong một năm đầy đủ trước khi hai cường quốc phát động cuộc chiến thuế quan nhằm vào hàng hóa của nhau tháng 7/2018. Thỏa thuận nếu được thực thi, sẽ tăng đáng kể xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Ông Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, nhận xét: “Với thỏa thuận này, các lĩnh vực quan trọng là cơ chế thực thi và việc mua nông sản. Đó là một con số lớn. Nếu việc mua nông sản không diễn ra như dự định thì chúng ta sẽ nảy sinh vấn đề về lòng tin và đẩy lùi mọi việc quay lại”.

Reuters dẫn lời một số quan chức Trung Quốc nói rằng, ngôn từ của thỏa thuận vẫn còn là vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn đàm phán hiện nay và cần quan tâm để bảo đảm việc diễn ngôn không làm leo thang lại căng thẳng và đào sâu khác biệt trong giai đoạn này.

“Thỏa thuận là một thành tựu theo từng giai đoạn, và không có nghĩa là tranh chấp thương mại được giải quyết một lần và mãi mãi” - nguồn thạo tin ở Bắc Kinh nói với Reuters. Theo đó việc ký và thực thi thỏa thuận vẫn là ưu tiên chính để thành công. Còn ông Lighthizer cho rằng, thành công của thỏa thuận phụ thuộc vào các quan chức Trung Quốc. Ông nói thỏa thuận không thể giải quyết mọi vấn đề giữa hai nước, bởi để tích hợp hệ thống kinh tế do nhà nước áp đảo với hệ thống do tư nhân dẫn đầu giữa hai bên sẽ phải mất nhiều năm.

Giới quan sát có phản ứng khác nhau về thỏa thuận này nhưng nhiều người cho rằng Mỹ đã phải nhượng bộ. Trang Asia Times dẫn lời ông Warren Maruyama, đối tác thương mại tại Công ty Hogan Lovells và cựu chuyên giam tư vấn của Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng: “Đây là một thỏa thuận hạn chế. Không bên nào được quá nhiều. Hầu hết xuất khẩu của Trung Quốc vấn là đối tượng của mức thuế 25% và các ưu tiên mang tính hệ thống của Mỹ đã bị đẩy lùi xuống giai đoạn 2 và 3”.

Ông James Zimmerman, thành viên một công ty kiểm toán Mỹ, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, nhìn xa hơn: “Thỏa thuận giai đoạn một này là sự thú nhận về một chiến lược ngoại giao thương mại thất bại. Thiệt hại với kinh tế Mỹ trong chiến tranh thương mại không bao giờ bù được bằng việc Trung Quốc mua nông sản (như thỏa thuận) mà lẽ ra vẫn diễn ra nếu không có chiến tranh thương mại”. Ông cho rằng sẽ có nhiều tiến bộ hơn nếu tìm cách để Trung Quốc tiếp tục con đường cải cách.

Steven Okun, cố vấn cấp cao tại Công ty Tư vấn thương mại McLarty Associates cho rằng, thỏa thuận củng cố chính sách cùng thắng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Hầu hết những gì Trung Quốc đồng ý như về bảo vệ sở hữu trí tuệ là cũng vì lợi ích của Trung Quốc. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp toàn cầu cạnh tranh ở Trung Quốc cũng như có ích cho các doanh nghiệp nước này”.

Chuyên gia này cho rằng, Mỹ sẽ có vị thế tốt nhất để đối mặt với Trung Quốc, nếu chính quyền Trump hợp tác với các đồng minh trong khuôn khổ đa phương để đáp ứng các vấn đề mà cộng đồng kinnh doanh toàn cầu phải đối phó do chính sách công nghiệp nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.