Các phiến quân Huthi, những người đã tiếp tục chiến đấu bất chấp sự tấn công từ nước láng giềng Ả-rập Xê-út cho biết, họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán mà LHQ đã đưa ra trước đó vào tuần tới ở Thụy Điển.
Nhưng về phần mình Tổng thư ký Guterres đã hạ thấp hy vọng vào thời điểm các cuộc đàm phán, đang được sắp xếp khi hàng triệu người Yemen đang rơi vào tình cảnh bi đát và đối diện với nạn đói.
“Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng chúng tôi có thể bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa trong năm nay” - ông Guterres nói với các phóng viên ở Buenos Aires, nơi ông tham gia hội nghị thượng đỉnh G20. “Nhưng, như bạn đã biết, đã có một số trở ngại”, ông nói, nhằm ám chỉ về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ả-rập Xê-út về phía được cho là có sự xuất hiện của phiến quân Huthi.
Trong một bản phúc trình được đưa ra của Liên Hiệp Quốc đã mô tả cuộc chiến tại Yemen, dưới sự phong tỏa và chiến dịch ném bom của Ả-rập Xê-út là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng kể từ khi sự can thiệp bằng tên lửa này bắt đầu vào năm 2015.
Trong một động thái khác vào ngày 28/11, Thượng viện Hoa Kỳ đã cắt giảm hỗ trợ của Mỹ cho liên minh do Ả-rập Xê-út đứng đầu, vì các vụ tấn công của nước này vào các mục tiêu dân sự bao gồm cả bệnh viện và xe buýt trường học gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân. Điều này đánh dấu một thách thức bất thường đối với Tổng thống Donald Trump, người đã bảo vệ quan hệ đối tác với hoàng tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Xê-út.
Nhưng Mohammed Ali al-Huthi, người đứng đầu Ủy ban Cách mạng của phe phiến quân, có vẻ lạc quan về các cuộc đàm phán ở Thụy Điển. “Tôi nghĩ rằng phái đoàn quốc gia (Huthi) sẽ ở Thụy Điển, mọi việc vẫn luôn sẵn sàng vào ngày 3/12 nếu các điều khoản vẫn đảm bảo họ có thể khởi hành và trở về an toàn” - Huthi nói trên Twitter.
Các cuộc đàm phán trước đó đã bị phá vỡ vào năm 2016, khi 108 ngày đàm phán ở Kuwait không đạt được thỏa thuận và các đại biểu phe nổi loạn bị mắc kẹt tại Oman trong 3 tháng.