Thờ ơ với PPP

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Muốn thúc đẩy PPP thì phải giữ được bản chất “đối tác” của phương thức đầu tư này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau những “lùm xùm” của các dự án BOT giao thông, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) có hiệu lực từ năm 2021, được kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới khởi sắc hơn trong việc thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hai năm trôi qua và kỳ vọng đó chưa trở thành hiện thực. Cho đến nay, mới chỉ có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP (gồm 7 dự án giao thông, 1 dự án nước sạch).

Lý do nhà đầu tư thờ ơ với PPP dù đã có khung pháp lý cao nhất cho hình thức đầu tư này (Luật PPP) đã được chỉ ra trong Hội thảo “Thúc đẩy PPP trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức mới đây. Đó là “trần” phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa 50% tổng mức vốn đầu tư (Điều 69, Luật PPP) không đủ hấp dẫn nhà đầu tư trong nhiều trường hợp.

Đặc biệt, cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước với nhà đầu tư trong các dự án PPP chưa rõ ràng, chưa phù hợp khiến họ không yên tâm.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết có 12 tình huống có thể phát sinh rủi ro khi nhà đầu tư tham gia dự án PPP nhưng 10 loại trong số đó chưa có công thức và cách giải quyết triệt để.

Ví dụ, Nhà nước bảo sẽ giải tỏa mặt bằng, doanh nghiệp làm con đường này và độc quyền thu phí một thời gian, nhưng sau đó vì nhiều lý do, nguồn thu của nhà đầu tư không đảm bảo được nữa.

Trong hầu hết trường hợp này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không bị “xử lý” vi phạm hợp đồng; nhà đầu tư cũng chẳng dại gì kiện tụng, vì không muốn “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Hay Nhà nước bảo nếu nguồn thu không đảm bảo Nhà nước ứng tiền, nhưng Bộ Tài chính lại nói “không biết lấy từ nguồn nào”, do quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm (Khoản 3 Điều 83 Luật PPP) chưa phù hợp với pháp luật ngân sách Nhà nước và mục đích sử dùng nguồn ngân sách dự phòng…

Khi không được bảo đảm rủi ro, việc “tư nhân rất ngại đầu tư, ngân hàng rất ngại xuống tiền và quan chức rất ngại ký” như nhận xét của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).

Như vậy vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Muốn thúc đẩy PPP thì phải giữ được bản chất “đối tác” của phương thức đầu tư này; thay vì nhà đầu tư luôn ở thế yếu còn bộ, ngành, địa phương vẫn mang quán tính “quản lý”, lỗi của nhà đầu tư thì “trị” đến nơi đến chốn, còn lỗi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không “trị” gì cả như bấy lâu nay! Hơn nữa, vốn mồi của Nhà nước chỉ là một vấn đề, điều quan trọng hơn là Nhà nước phải hiểu rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.