Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 tới biên giới

GD&TĐ - Ankara được cho là sẽ triển khai các hệ thống phòng không S-400 mua của Nga trong chiến dịch đã lên kế hoạch chống lại các tay súng người Kurd ở Iraq.

Hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất
Hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất

Nhật báo Gazetesi của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/4/2024 đưa tin, Ankara dự kiến ​​sẽ triển khai các hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq vào cuối tháng này.

Động thái này được cho là được lên kế hoạch như một phần của chiến dịch lớn chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một nhóm chiến binh người Kurd được coi là tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo cho biết, việc triển khai S-400 được cho là một phần trong nỗ lực chuẩn bị sẽ được “đẩy nhanh” sau kỳ nghỉ lễ Muslin Eid al-Fitr năm nay, được tổ chức vào cuối tuần.

Theo báo cáo, các hệ thống phòng không S-400 dự kiến ​​sẽ bảo vệ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các máy bay không người lái (UAV) kamikaze mới nhất của PKK, đồng thời cho biết thêm rằng, việc phòng thủ chống lại các UAV đã được “ưu tiên đặc biệt” trong chiến dịch sắp tới.

Theo nhật báo Gazetesi, PKK cũng được cho là đã mua tên lửa và UAV từ Pháp, Ấn Độ, Iran và một số quốc gia Đông Âu.

Ankara đã nhiều lần cân nhắc việc phát động một chiến dịch quy mô lớn chống lại PKK ở miền bắc Iraq trong những tháng qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào giữa tháng 3/2024 khẳng định: “Chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề ở biên giới với Iraq vào mùa hè này”.

Vào thời điểm đó, ông nói về việc thiết lập “hành lang an ninh dài 30 đến 40 km” dọc biên giới quốc gia với Iraq và Syria.

Baghdad chính thức phong tỏa PKK vào giữa tháng 3/2024, trước chuyến thăm Iraq dự kiến vào ngày 22/4 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên tới Iraq sau 13 năm của nhà lãnh đạo Ankara.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2019 đã làm mối quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên căng thẳng.

Thỏa thuận này dẫn đến các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm tới, và quốc gia này bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Vào tháng 1/2024, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị khi đó là Victoria Nuland đã cáo buộc Ankara đe dọa an ninh của NATO bằng việc mua hệ thống phòng không của Nga.

Vào thời điểm đó, bà cũng nói rằng, Mỹ “sẽ vui mừng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ trở lại gia đình F-35” nếu Ankara có thể “giải quyết được vấn đề S-400 này” và lựa chọn “các hệ thống thay thế, có khả năng tương thích với NATO để đáp ứng các yêu cầu phòng thủ của họ”.

Ông Erdogan trước đó đã nhiều lần bác bỏ những ý tưởng như vậy của Mỹ bằng cách tuyên bố rằng, việc mua bán là một "thỏa thuận đã xong".

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.